1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tổng thống Putin: Mỹ đứng đằng sau các sự kiện ở Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moskva ngay từ đầu đã biết rằng “những kẻ điều khiển con rối” trong sự kiện cựu Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ ở Ukraine là Mỹ, mặc dù về hình thức thì châu Âu đang hỗ trợ cho phe đối lập Ukraine.

Trong bộ phim “Crimea - Con đường trở về đất mẹ” vừa được công chiếu trên kênh truyền hình “Nước Nga 1”, ông Putin cho hay: “Về hình thức thì phe đối lập trước hết được người châu Âu hỗ trợ, nhưng chúng ta biết rất rõ, không đơn giản chỉ nhận thức được, mà biết rõ rằng những người điều khiển rối thực sự là các đối tác Mỹ của chúng ta cùng bạn bè của họ. Chính họ đã giúp chuẩn bị những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc, chính họ đã giúp chuẩn bị những đội quân chiến đấu”.

Tổng thống Nga nói thêm: “Những đối tác của chúng ta đã hành động như thế nào? Họ đã tạo điều kiện cho việc thực hiện cuộc đảo chính. Có nghĩa là bắt đầu hành động từ quan điểm vũ lực. Tôi không nghĩ rằng đây là cách làm việc tốt nhất”.

Ông Putin cho biết từng sẵn sàng đặt lực lượng hạt nhân nước này ở trong tình trạng báo động khi chuẩn bị sáp nhập Crimea hồi năm ngoái.
 
Tổng thống Putin phát biểu trong chuyến thăm bán đảo Crimea ngày 9/5/2014 (Ảnh: AFP-TTXVN)
Tổng thống Putin phát biểu trong chuyến thăm bán đảo Crimea ngày 9/5/2014 (Ảnh: AFP-TTXVN)

Đoạn phim tài liệu trên bao gồm nhiều cuộc phỏng vấn với Tổng thống Nga, giải thích việc ông Putin "chỉ thị trực tiếp" các lực lượng vũ trang trong sứ mệnh thần tốc và không đổ máu để bảo vệ bán đảo Crimea, vùng lãnh thổ từng được lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev tặng cho Ukraine hồi năm 1954. Ông Putin cũng thể hiện sự tự tin chiến dịch "chắc chắn" sẽ thành công. Được hỏi liệu khi đó Nga có sẵn sàng đặt lực lượng hạt nhân ở vào tình trạng báo động, Tổng thống Putin khẳng định: "Chúng tôi đã sẵn sàng làm điều này".

Theo nhà lãnh đạo Nga, sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych chạy trốn khỏi Kiev, ông đã tiến hành cuộc thăm dò bí mật để xem xét quan điểm của cư dân Crimea. Tổng thống Putin cũng cho hay Nga đã "cứu sống" ông Yanukovych sau khi nhận được vô số báo cáo về âm mưu ám sát vị cựu Tổng thống Ukraine của phong trào ủng hộ Phương Tây.

Mỹ chưa hiểu rõ tầm quan trọng của nước Nga phồn vinh

Trong một diễn biến khác, ông Derek Norberg, Chủ tịch Hội đồng quan hệ Mỹ-Nga kiêm Giám đốc điều hành cơ cấu Đối tác Thái Bình Dương Nga-Mỹ (RAPP) cho biết chính quyền Mỹ chưa hiểu rõ rằng một nước Nga phồn vinh và thịnh vượng có tầm quan trọng đến chừng nào.

Theo quan điểm của ông Norberg, "nước Nga hùng mạnh tạo ra động lực kinh tế cho châu Âu và kinh tế toàn thế giới, trong đó có cả kinh tế Mỹ". Ông cũng lưu ý rằng "nước Nga hùng mạnh là khách hàng quan trọng mua chứng khoán Mỹ”.

Cụ thể, chuyên gia này dẫn chứng: "Chính phủ Liên bang Nga những năm gần đây liên tục thuộc top 10 khách hàng dẫn đầu trong danh sách mua chứng khoán của Bộ Tài chính Mỹ, yếu tố hết sức hệ trọng cho ngân sách Mỹ... Khi nền kinh tế Nga suy yếu vì biện pháp trừng phạt của Phương Tây, Nga sẽ không thể mua những chứng khoán này và qua thời gian sẽ rút khỏi những khoản có tài sản tương tự... Đây là mối đe dọa cơ bản đối với Mỹ nhưng chính quyền Mỹ dường như không nhìn nhận nghiêm túc".

Ông Noberg cho rằng tình trạng đó có thể dẫn đến tăng cường vị thế của Trung Quốc như là khách hàng chính yếu của chứng khoán Mỹ khi mà mối đe dọa với mô hình tài chính Mỹ trong tương quan phụ thuộc quá nhiều vào một chính phủ nước ngoài đang hiện hữu rõ rệt.

Hội đồng quan hệ Mỹ-Nga bao gồm các hãng lớn của cả hai nước, cụ thể như tập đoàn dầu mỏ Exxon Mobil, hãng hàng không "Yakutia", Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Nga (ARDS). Trong khi RAPP được coi là "diễn đàn liên khu vực duy nhất giữa Mỹ và Nga, quy tụ các cơ sở tư nhân, khu vực và chính phủ liên bang". Mục đích hoạt động của RAPP là “mở rộng trao đổi thương mại và hợp tác giữa nước Nga phương Đông và nước Mỹ phương Tây”.

Hơn 100 nhà báo Nga bị trục xuất khỏi Ukraine

Ngày 15/3, ông Markiyan Lubkivsky, cố vấn của người đứng đầu Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) cho biết đến nay đã có hơn 100 nhà báo Nga bị trục xuất khỏi lãnh thổ Ukraine.

Tuyên bố trên được ông Lubkivsky đưa ra trên kênh truyền hình “112 Ukraine”. Trước đó, Cơ quan An ninh Ukraine đã bắt giữ một nhà báo của kênh truyền hình Nga “Novorossia TV”. Theo tổ chức “Phóng viên không biên giới”, mức độ tự do báo chí ở Ukraine thấp hơn so với ở Angola, Afghanistan và Uganda. Ukraine đứng ở vị trí 129 trong danh sách 180 nước xếp hạng về tự do báo chí.

Theo TN/VOR/baotintuc.vn