1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Putin muốn quân đội tìm lại thời hoàng kim

(Dân trí) - Trong vòng 10 năm nữa, quân đội Nga sẽ phải được trang bị 400 tên lửa đạn đạo, 8 chiếc tàu ngầm chiến lược, 20 chiếc tàu ngầm đa năng, 50 tàu chiến, hàng trăm thiết bị không gian, 600 chiến đấu cơ hiện đại, 1.000 chiếc trực thăng, 28 giàn pháo mới.

 

Tổng thống Putin muốn tăng cường trang bị cho quân đội trong vòng 10 năm nữa.
Tổng thống Putin muốn tăng cường trang bị cho quân đội trong vòng 10 năm nữa.
 

Đó là những gì Tổng thống Putin đã hứa trong một kế hoạch hiện đại hóa quân đội đầy tham vọng. Thông tin được nhật báo kinh tế Les Echos phản ánh qua bài phóng sự có tựa đề “Tìm lại tham vọng thời Hồng quân Liên Xô”.

 

 Ngân sách dành cho chương trình cải cách lên đến 23 ngàn tỷ rúp (gần 600 tỷ euro), trong đó 10% ngân sách dùng để hiện đại hóa các nhà máy quốc phòng. Tuy nhiên, chương trình cải cách rộng lớn của Nga còn đang vấp phải nhiều khó khăn như tham nhũng và thiếu nhân sự.

 

Phó đô đốc Sergei Skorniakov tỏ ra hồ hởi trên chiếc chiến hạm mới Iaroslav Moudri vừa được hạ thủy tại khu căn cứ thủy quân Kaliningrad, nằm giữa Ba Lan và Litunia. Chiến hạm được trang bị dàn tên lửa tầm ngắn Iskander và 400 dàn pháo phòng không S-400 mới, được xem như là biểu tượng cho sự “hồi sinh” của hải quân quốc gia.

 

Một điểm mới là đại bộ phận nhân sự trên chiếc chiến hạm này đều được ký hợp đồng chứ không phải là lính gọi nhập ngũ. Lương của chỉ huy và các binh sĩ được tăng gấp đôi. Và ai cũng tỏ ra rất hài lòng nhờ vào các biện pháp cải cách quân đội của ông Putin.

 

Chiến hạm này cũng bao quát hết các giới hạn của kế hoạch hiện đại hóa quân đội: nặng 4500 tấn, được trang bị các loại vũ khí nặng, xuất xưởng năm 2008, và được thiết kế theo mô hình thời Xố Viết cũ. Phòng chỉ huy được trang trí hình ngôi sao đỏ rực, biểu tượng của thời Liên bang Xô viết.

 

Theo nhiều chuyên gia, kế hoạch sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện. Thứ nhất là tình trạng tham nhũng. Để hạn chế, Bộ quốc phòng Nga đã yêu cầu phải thông báo cụ thể chi phí sản xuất trước khi trả tiền. Và nhằm tránh tình trạng lạm dụng, điện Kremlin cũng muốn hạn chế khả năng sinh lợi ở mức 20% (25% trong lĩnh vực hàng hải).

 

Ngoài ra, khi Liên Bang Xô Viết tan rã, ngành công nghiệp quốc phòng bị xẻ lẻ thành nhiều doanh nghiệp nhỏ. Nếu như điện Kremlin có ý định tập hợp các doanh nghiệp này lại thành một tập đoàn khổng lồ, thì theo nhiều chuyên gia, Nga nên “tư hữu hóa, xác định rõ các ưu tiên của mình và tài trợ theo từng dự án hơn là tạo ra những tập đoàn lớn”. Một khó khăn khác nữa là ngành công nghiệp quốc phòng Nga thiếu các kỹ sư và kỹ thuật viên trong độ tuổi 30-40 cũng như không có nhiều các nhà quản trị giỏi.

 

Vũ Quý

Theo AFP