1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tổng thống Putin lệnh tăng cường sức mạnh bộ ba hạt nhân

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết tiếp tục củng cố hệ thống tên lửa chiến lược của nước này, bao gồm vũ khí siêu thanh.

Tổng thống Putin lệnh tăng cường sức mạnh bộ ba hạt nhân - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Tass).

"Chúng ta sẽ chú ý nhiều hơn, như trước đây, để củng cố bộ ba hạt nhân", Tổng thống Putin phát biểu trước các cựu chiến binh Thế chiến II hôm 22/2, đề cập đến ba hình thức tấn công bằng vũ khí hạt nhân của nước này gồm: tên lửa đạn đạo trên mặt đất, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạt nhân.

Theo Tổng thống Putin, kế hoạch của Nga bao gồm triển khai các bệ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat đầu tiên vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, đẩy mạnh phát triển và sản xuất nhiều tên lửa siêu thanh hơn, đồng thời đưa vào hoạt động các tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân mới nhất của Hải quân Nga.

"Năm nay, các bệ phóng đầu tiên của tổ hợp tên lửa Sarmat với tên lửa hạng nặng mới sẽ được đưa vào trực chiến. Chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất hàng loạt tên lửa siêu thanh Kinzhal và bắt đầu giao hàng loạt tên lửa hành trình siêu thanh Zircon", ông Putin nói.

Bộ Quốc phòng Nga từng tuyên bố Sarmat là tên lửa mạnh nhất với tầm bắn lớn nhất trên thế giới, giúp tăng cường đáng kể sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang hạt nhân chiến lược Nga.

Tổng thống Putin khẳng định, việc đưa tàu ngầm Emperor Alexander III vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu trong lực lượng Hải quân Nga sẽ đảm bảo rằng, tỷ lệ vũ khí và thiết bị hiện đại trong lực lượng hạt nhân chiến lược của hải quân sẽ đạt 100%. "Trong những năm tới, sức mạnh chiến đấu của hạm đội Nga sẽ được tăng cường nhờ bổ sung thêm 3 tàu ngầm tên lửa đạn đạo tương tự", ông Putin cho biết.

Lực lượng răn đe của Nga gồm nhiều loại vũ khí chiến lược khác nhau, cả vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường, có thể sử dụng cho mục đích phòng thủ và tấn công. Theo định nghĩa của Nga, các lực lượng này được thiết kế để "ngăn chặn các hành động xâm lược nhằm vào Nga và các đồng minh của Nga, cũng như để đánh bại kẻ xâm lược, kể cả trong một cuộc chiến có sử dụng vũ khí hạt nhân".

Tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Putin xác nhận kho vũ khí hạt nhân là yếu tố bảo đảm chính cho chủ quyền của Nga, đồng thời cam kết các loại vũ khí mới sẽ sớm được đưa vào sử dụng. Ông Putin nói thêm rằng, tỷ lệ các loại vũ khí hiện đại trong lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga đã vượt 91%.

Các quan chức phương Tây và Ukraine cáo buộc Tổng thống Putin đề cập đến mối đe dọa hạt nhân sau khi ông tuyên bố sẽ "sử dụng tất cả các biện pháp" để bảo vệ Nga. Theo học thuyết hạt nhân chính thức của Nga, được sửa đổi vào năm 2020, Moscow sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc khi có mối đe dọa đối với sự tồn tại của Nga.

Hôm 21/2, trong Thông điệp liên bang, Tổng thống Putin cho biết, ông đã trình quốc hội phê chuẩn dự luật tạm ngừng tham gia hiệp ước cuối cùng về kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ. Quốc hội Nga hôm 22/2 đã đồng loạt thông qua dự luật này.

Quyết định của Nga về việc tạm ngừng hiệp ước START Mới với Mỹ khiến phương Tây lo ngại. Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi đây là bước đi sai lầm, tuy nhiên, ông nhận định không có dấu hiệu nào cho thấy Moscow đang cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Theo Sputnik

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm