Tổng thống Putin ký phê duyệt hiệp ước phòng thủ chung với Triều Tiên
(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin đã hoàn tất việc ký phê duyệt hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Triều Tiên.
"Phê duyệt Hiệp ước đối tác toàn diện giữa Liên bang Nga và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, được ký tại Bình Nhưỡng vào ngày 19/6/2024", văn bản do tổng thống Nga ký và đề ngày ký là 9/11 nêu rõ.
Hiệp ước sẽ chính thức có hiệu lực sau khi Moscow và Bình Nhưỡng trao đổi các văn kiện đã được phê duyệt.
Hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện Nga - Triều Tiên được Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký vào tháng 6 sau hội nghị thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng.
Duma Quốc gia Nga, tức Hạ viện, đã nhất trí phê chuẩn hiệp ước vào cuối tháng trước và Thượng viện, tức Hội đồng Liên bang, đã phê chuẩn vào ngày 6/11. Tổng thống Putin đã đóng dấu phê duyệt cuối cùng vào ngày 9/11, theo cổng thông tin chính thức của cơ quan lập pháp Nga.
Hiệp ước phác thảo sự hợp tác chiến lược toàn diện mà 2 nước dự định duy trì, bao gồm các vấn đề an ninh quốc gia. Hiệp ước nêu rõ không bên nào sẽ ký kết các hiệp ước với bên thứ ba xâm phạm chủ quyền của bên kia.
Ngoài ra, trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào một trong 2 quốc gia, quốc gia còn lại cam kết sẽ cung cấp hỗ trợ, bao gồm cả các phương tiện quân sự, như được Hiến chương Liên hợp quốc cho phép.
Moscow và Bình Nhưỡng cũng cam kết không ký bất kỳ thỏa thuận nào với bên thứ ba nhằm chống lại "chủ quyền, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự do lựa chọn và sự phát triển của các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa, cũng như các lợi ích quan trọng khác" của nhau.
"Đây thực sự là một văn kiện mang tính đột phá", Tổng thống Putin phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 10, Tổng thống Putin cho biết Nga và Triều Tiên sẽ tự quyết định việc có áp dụng điều khoản hỗ trợ quân sự của hiệp ước hay không và áp dụng như thế nào.
Theo Tổng thống Putin, hiệp ước không phải là một văn kiện mới, mà hai nước đã quay trở lại một văn kiện tương tự từ thời Liên Xô. Ông Putin cũng đề cập đến khả năng Nga và Triều Tiên tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung.
Hiệp ước được công bố trong bối cảnh Triều Tiên được cho là đã gửi hàng nghìn binh lính tới Nga để triển khai trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng xác nhận quân đội Triều Tiên đã được triển khai tới Nga và các cuộc giao tranh đầu tiên giữa lực lượng quân sự 2 nước đã diễn ra ở tỉnh Kursk của Nga, nơi Kiev mở chiến dịch đột kích hồi đầu tháng 8.
Theo ông Zelensky, quân đội Triều Tiên đã có thương vong đầu tiên khi giao tranh với lực lượng Ukraine ở Kursk.
Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrskyi ngày 9/11 tuyên bố Kiev "có nhiều báo cáo về việc binh lính Triều Tiên chuẩn bị tham gia vào các hoạt động chiến đấu cùng với lực lượng Nga".
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc phủ nhận việc quân đội Triều Tiên có mặt trên tiền tuyến, đồng thời cáo buộc Mỹ và các đồng minh phát tán "thông tin sai lệch".
Trong khi đó, Triều Tiên tuyên bố trong trường hợp nước này đưa quân tới Nga, đây sẽ là hành động tuân thủ luật pháp quốc tế.
Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son-hui đầu tháng này tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ ủng hộ Moscow trong cuộc xung đột với Kiev cho tới khi Nga giành chiến thắng.