Tổng thống Putin cảnh báo nguy cơ chạy đua vũ trang ở Đông Á
(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo khu vực Đông Á đối mặt với nguy cơ chạy đua vũ trang, sau khi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) sụp đổ.
"Với việc chấm dứt Hiệp ước INF, khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải đối mặt với khả năng các vũ khí tấn công được đề cập trong hiệp ước sẽ xuất hiện trên vùng lãnh thổ rộng lớn của khu vực, cùng với đó là viễn cảnh về một cuộc chạy đua vũ trang mới", Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 16 hôm 27/10.
Theo ông Putin, sau khi nhận thấy nguy cơ trên, Nga đã đơn phương tuyên bố ngừng triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở châu Á - Thái Bình Dương và các khu vực khác trên thế giới.
Tổng thống Putin cho biết, Moscow đã kêu gọi một cuộc thảo luận nghiêm túc về vấn đề này với tất cả các quốc gia quan tâm.
Nhà lãnh đạo Nga nói thêm rằng, Moscow đã nhiều lần ủng hộ việc hình thành một hệ thống an ninh bình đẳng và không thể chia cắt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tăng cường bầu không khí hợp tác mang tính xây dựng dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm tôn trọng chủ quyền, bình đẳng và xem xét các lợi ích của nhau.
"Theo quan điểm của chúng tôi, đây là cách duy nhất để ngăn chặn các mối đe dọa đang tồn tại và đang nổi lên, giải quyết các vấn đề cấp bách không chỉ đối với khu vực của chúng ta, mà còn đối với toàn thế giới", ông Putin nhấn mạnh.
Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy an ninh khu vực trong bối cảnh các mối đe dọa ngày càng gia tăng.
"Điều quan trọng là không làm suy yếu các nỗ lực chung nhằm duy trì ổn định và an ninh khu vực. Điều này càng mang tính cấp bách hơn khi các thách thức và mối đe dọa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương không những không giảm, mà còn ngày càng gia tăng, với các tình huống xung đột cũ ngày càng trầm trọng và những xung đột mới xuất hiện", Tổng thống Nga nhấn mạnh.
Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Chiến lược Tầm trung (INF) được Nga và Mỹ ký năm 1987, trong đó cấm hai nước phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500 - 5.500 km. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi hiệp ước vào tháng 8/2019. Mỹ viện dẫn lý do Nga phát triển tên lửa cấm để rời khỏi hiệp ước INF, song Moscow đã bác bỏ cáo buộc này.
Tổng thống Putin hồi tháng 1 đã ký luật cho phép gia hạn hiệp ước cắt giảm vũ khí Nga - Mỹ, hay New START. Điện Kremlin cho biết thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân Nga - Mỹ sẽ được gia hạn thêm 5 năm và có hiệu lực đến ngày 5/2/2026.
New START được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký kết vào năm 2010, quy định mỗi nước không được phép triển khai quá 1.550 đầu đạn hạt nhân, đồng thời giới hạn việc sử dụng các tên lửa đạn đạo liên lục địa và bệ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa.
New START là thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn lại giữa Nga và Mỹ, sau khi Washington rút khỏi INF. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ muốn cả Trung Quốc tham gia vào hiệp ước. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã từ chối đề nghị này.
Việc Nga và Mỹ đồng ý kéo dài hiệp ước START mới tới năm 2026 đã mang lại cho Trung Quốc cơ hội 5 năm để rút ngắn khoảng cách với 2 cường quốc quân sự hàng đầu, vốn sở hữu 90% tổng đầu đạn trên toàn thế giới.