Tổng thống Philippines "tố" Trung Quốc vi phạm tuyên bố DOC
(Dân trí) - Tổng thống Philippines Benigno Aquino ngày 19/5 đã cáo buộc vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký kết hồi năm 2002 khi tiến hành cải tạo bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino.
"Theo quan điểm của chúng tôi, những gì họ đang làm lúc này ở đó là vi phạm những điều mà chúng tôi nhất trí trong tuyên bố DOC", Tổng thống Aquino phát biểu trước báo giới.
"Vấn đề là tuyên bố này không mang tính ràng buộc pháp lý nên chúng ta đi đến một nguyên tắc ứng xử chính thức nhằm giải quyết tranh chấp và ngăn chặn bất kỳ cuộc xung đột tiềm tàng nào", ông Aquino nói thêm.
Hồi tuần trước, Bộ ngoại giao Philippines đã công bố các bức ảnh giám sát cho thấy hoạt động cải tạo của Trung Quốc trên bãi đá Gạc Ma (tên quốc tế là Johnson South) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ năm 1988. Trung Quốc dường như đang xây dựng một đường băng tại đây.
Một phát ngôn viên Bộ quốc phòng Philippines, ông Peter Paul Galvez, cho biết quân đội nước này đã phát hiện hoạt động tải tạo của Trung Quốc tại Gạc Ma từ đầu năm nay. Một đường băng của Trung Quốc trong khu vực có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh và sự ổn định trong khu vực, ông Galvez nói.
Trung Quốc và 10 quốc gia thành viên ASEAN đã ký kết DOC vào năm 2002 để kiềm chế các hoạt động chiếm giữ các bãi cạn và đá không người ở trên Biển Đông và kiềm chế việc xây dựng các công trình mới vốn có làm phức tạp thêm các tranh chấp.
Trung Quốc và ASEAN đang đàm phán về bộ quy tắc ứng cử chính thức (COC) nhưng tiến trình này đang tiến triển chậm.
Trung Quốc gần đây đã tăng cường các hoạt động để khẳng định chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông. Nhưng Brunei, Malaysia, Philippines, Việt nam và Đài Loan cũng có các tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này.
Các hành động của Trung Quốc đã đẩy căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và khiến các quốc gia trong khu vực lo ngại.
Trung Quốc mới đây đã trái phép hạ đặt giàn khoan trong Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc đã khoảng 80 tàu cùng nhiều máy bay hộ tống việc lắp đặt giàn khoan này.
Không chỉ có vậy, các tàu và máy bay của Trung Quốc còn hung hăng tấn công các tàu cảnh sát biển của Việt Nam khi bị ngăn cản hành động hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền lãnh hải của Việt Nam.
An Bình
Theo AP