1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Philippines bắt đầu chuyến công du quan trọng tới Trung Quốc

(Dân trí) - Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm nay bắt đầu chuyến thăm 4 ngày Trung Quốc - chuyến đi được nhiều giới xem là nhằm phát triển quan hệ kinh tế, trong bối cảnh có căng thẳng giữa hai nước do các tranh chấp ở Biển Đông.

 
Tổng thống Philippines bắt đầu chuyến công du quan trọng tới Trung Quốc - 1
Ông Aquino sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Dự kiến, ông Aquino sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhằm thương thảo về nhiều vấn đề.

Các cố vấn của tổng thống Aquino cho biết là trong các cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc, nguyên thủ Philippines sẽ nêu vấn đề tranh chấp chủ quyền, vốn rất nhạy cảm trong quan hệ song phương. Thế nhưng, trọng tâm chuyến công du này vẫn là thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Trợ lý Ngoại trưởng Philippines Cristina Ortega nói với các phóng viên là hai bên dự kiến ký kết một kế hoạch hợp tác kinh tế trong vòng 5 năm, đưa kim ngạch mậu dịch song phương lên tới 60 tỷ USD vào năm 2016, cao gấp 6 lần so với mức của năm 2010.

Đồng thời, hai nước sẽ ký một dự án liên quan đến việc một tập đoàn chế tạo xe hơi của Trung Quốc đầu tư 1,5 tỷ USD vào Philippines.

Về phía Bắc Kinh cũng lên tiếng khẳng định là không nên để cho các căng thẳng về tranh chấp chủ quyền biển đảo ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác kinh tế song phương.

Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Lưu Kiến Siêu tuyên bố rằng chuyến viếng thăm của Tổng thống Aquino sẽ có lợi cho cả hai bên và Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy cho nền kinh tế Philippines hiện đang vươn lên, phát triển mạnh hơn nữa.

Trong phần trả lời báo giới Trung Quốc tuần trước, ông Aquino khẳng định cả Manila lẫn Bắc Kinh đều muốn giải quyết những vụ tranh cãi về các vùng giàu năng lượng ở Biển Đông căn cứ vào luật quốc tế.

Tờ China Sunday dẫn lời ông Aquino đã so sánh cuộc tranh chấp, mà Manila nói rằng gồm có ít nhất 7 vụ xung đột ngoài biển, như một “cuộc trắc nghiệm giúp mang lại mối bang giao vững vàng hơn.”

Trong khi đó, dư luận trong và ngoài nước cho rằng về tranh chấp tại Biển Đông, thái độ của chính quyền Manila rất rõ ràng và công khai: Philippines kiên quyết không nhượng bộ Trung Quốc trong hồ sơ chủ quyền lãnh thổ, nhưng điều này không ngăn cản mong muốn của Manila phát triển quan hệ kinh tế với Bắc Kinh trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Theo giới quan sát, Trung Quốc bôn ba khắp nơi trên thế giới để tìm nguồn nguyên nhiên liệu phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng cao và Philippines đương nhiên nằm trong tầm ngắm của Bắc Kinh.

Trong thời gian qua, trước thái độ gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông, chính phủ Manila quyết định đổi tên vùng biển thuộc chủ quyền nước này thành Biển Tây Philippines, công khai kêu gọi sự ủng hộ của Mỹ, cử Ngoại trưởng sang Mỹ đặt vấn đề giúp đỡ hiện đại hóa quân đội và đặc biệt là hải quân.

Tổng thống Aquino đã tuyên bố trước Quốc hội là Philippines sẵn sàng dùng các biện pháp quân sự để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, không bao giờ đặt các ưu tiên kinh tế lên trên những đòi hỏi về chủ quyền quốc gia ở Biển Tây Philippines.
 
Nguyễn Viết
Tổng hợp