1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tổng thống Pháp thừa nhận vai trò của Nga trên trường quốc tế

(Dân trí) - Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận Nga đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế hiện nay. Tuyên bố được đưa ra một ngày trước cuộc gặp của nhà lãnh đạo Pháp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Paris hôm nay 29/5.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Nga Vladimir Putin (Ảnh: DW)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Nga Vladimir Putin (Ảnh: DW)

“Nhiều vấn đề quốc tế không thể được giải quyết nếu không có Nga”, TASS dẫn lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói trong cuộc họp báo ngày 27/5. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Pháp cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đối thoại với Moscow trong tình hình quốc tế hiện nay.

Tổng thống Macron cho biết ông có thể sẽ tìm kiếm một cuộc thảo luận “khắt khe” với Nga, nhưng tựu chung lại, ông vẫn cần sự tham gia của Nga trong các cuộc “đối thoại”.

Tuyên bố trên của nhà lãnh đạo Pháp được đưa ra sau khi ông vừa kết thúc cuộc họp với lãnh đạo của các quốc gia trong Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới tại Silicy, Italy và trước thềm cuộc gặp của ông với Tổng thống Nga Putin tại Paris, Pháp vào ngày 29/5. Tổng thống Putin tới Pháp theo lời mời của Tổng thống Macron và đây là cuộc gặp đầu tiên giữa ông chủ Điện Kremlin và người đồng cấp Pháp từ sau khi ông Macron đắc cử tổng thống hôm 7/5.

Về các vấn đề mà ông cho rằng cần có tiếng nói của Nga, Tổng thống Pháp đề cập tới tình hình hiện tại ở Syria và Ukraine. Đây cũng là hai trong số các chủ đề mà Tổng thống Macron và Tổng thống Putin sẽ trao đổi cùng nhau trong cuộc gặp song phương tại Pháp.

“Tôi sẽ thảo luận tình hình ở Syria trong cuộc gặp tại Versailles (Pháp)”, ông Macron nói, đồng thời khẳng định cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này chỉ có thể được giải quyết thông qua cách tiếp cận chính trị toàn diện.

Cũng theo Tổng thống Macron, một cuộc họp với sự tham gia của Nga, Ukraine, Đức và Pháp nên được tổ chức trong thời gian sớm nhất để thảo luận về cuộc xung đột tại Ukraine. Nhà lãnh đạo Pháp cho rằng “điều cần thiết là cần tiếp tục thực thi thỏa thuận Minsk” vì thỏa thuận này vạch ra lộ trình cho hòa bình ở đông Ukraine.

Mặc dù muốn hợp tác với Nga nhưng Tổng thống Macron cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga do cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc khủng hoảng tại Ukraine vẫn phải được duy trì cho đến khi vấn đề này được giải quyết hoàn toàn.

Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh G7 vừa qua, các nhà lãnh đạo cũng đưa ra cách tiếp cận “nước đôi” với Nga, một mặt tiếp tục trừng phạt và thậm chí có thể mở rộng trừng phạt Nga, song vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với Moscow trong các vấn đề quốc tế như chủ nghĩa khủng bố.

Nhóm các quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) được thành lập vào thập niên 1970 gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật, Anh, Mỹ và Canada. Sau đó, Nga gia nhập vào nhóm này và đưa G7 trở thành G8. Tuy nhiên, lãnh đạo 7 nước G7 ban đầu đã quyết định loại Nga ra khỏi G8 vào năm 2014 sau vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea để trừng phạt Moscow.

Thành Đạt

Theo RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm