Tổng thống Pakistan gặp rắc rối vì “tán tỉnh” Palin
(Dân trí) - Với một vài lời khen hơi “hào phóng” trước Thống đốc bang Alaska Palin tại Đại hội đồng LHQ, chỉ vài tuần sau khi lên nhậm chức Tổng thống Pakista Zardari đã bị các giáo sỹ Hồi giáo trong nước ra nghị quyết cảnh cáo.
Ngoài ra, với “hành động” của mình, Tổng thống Pakistan đã thành công trong việc đoàn kết nhà thờ Hồi giáo với những người theo thuyết bình quyền nam nữ.
Một lãnh đạo Hồi giáo cấp tiến cho rằng Tổng thống Pakistan đã làm xấu hổ cả đất nước vì có “những cử chỉ không đứng đắn, những lời lẽ tán tỉnh, và khen ngợi không ngớt đối một phụ nữ không theo đạo Hồi mặc váy ngắn”.
Các lãnh đạo Hồi giáo còn ra nghị quyết tuyên bố một lần nữa một nam lãnh đạo Pakistan đã làm xấu hổ cả đất nước bằng những lời nhận xét không đúng mực. Báo chí cả nước Pakistan cũng bày tỏ sự bất bình.
Nguyên nhân là do Tổng thống Zardari đã đưa ra những lời khen ngợi “hào phóng” đối với bà Palin, ứng viên phó tổng thống đảng Cộng hoà, tại LHQ vào tuần trước, khi bà Palin có buổi tiếp kiến với các nhà lãnh đạo nước ngoài.
Ông Zardari đã nói với bà Palin rằng: “Giờ thì tôi hiểu vì sao cả nước Mỹ phát điên lên vì bà”. Ứng viên phó tổng thống đảng Cộng hoà đáp lại: “Ngài thật tử tế. Cảm ơn”.
Tuy nhiên, điều làm các lãnh đạo Hồi giáo cấp tiến Pakistan thực sự “sục sôi” là bình luận của Tổng thống Zardari rằng, ông có thể “ôm hôn” bà Palin nếu người tổ chức buổi gặp mặt hôm đó đề nghị.
Chỉ thị tôn giáo trên được đưa ra vài ngày sau cuộc gặp gỡ vào ngày 24/9 vừa qua giữa Tổng thống Zardari và bà Palin. Mặc dù nó không khiến hầu hết người Pakistan cảm thấy nặng nề nhưng thể hiện sự giận dữ của những người bảo thủ trong nước, những người coi sự tiếp xúc về cơ thể và những lời khen ngợi giữa phụ nữ và đàn ông không phải là vợ chồng là thiếu đứng đắn. Chỉ thị tôn giáo đưa ra có thể là lời răn đe, khuyên bảo và cũng có thể là một cái án tử hình. Tuy hiên, chỉ thị tôn giáo đối với Tổng thống Pakistan lần này không kêu gọi bất kỳ hành động nào.
Năm ngoái, nhà thờ Hồi giáo Pakistan cũng đưa ra nghị quyết lên án cựu Bộ trưởng du lịch nước này, bà Nilofar Bahktiar, sau khi người ta chụp được ảnh một nam huấn luyện viên nhảy dù ở Pháp đãôm hôn bà. Các giáo sỹ Hồi giáo phán quyết đó là một “tội lỗi lớn”. Tuy nhiên, phán quyết tôn giáo khi đó cũng không nhận được sự ủng hộ của những người thuộc tầng lớp trung lưu ở Pakistan.
Còn đối với những người theo quan điểm vì bình quyền phụ nữ ở Pakistan, những lời ca tụng của Tổng thống đã chạm vào lòng tự ái của họ. “Là một người Pakistan và là một phụ nữ, tôi thấy điều đó thật xấu hổ và không thể chấp nhận được. Ông ấy đã nhìn bà ấy (Palin) với tư cách là một phụ nữ, chứ không phải là một chính trị gia theo đúng quyền của bà ấy”, Tahira Abdullah, thành viên của Diễn đàn hành động vì Phụ nữ cho biết.
Tahira Abdullah cho rằng sự lo ngại của các giáo sỹ tôn giáo là hơi quá, nhưng bà khẳng định: “Ông ấy nên thể hiện một chút đứng đắn - nếu là người yêu vợ mình nhiều, là người đã hối thúc LHQ điều tra về cái chết của vợ mình. Ông ấy nên cư xử giống như một người chồng đang để tang vợ”, bà nhắc đến cố Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto, một biểu tượng về đấu tranh bình quyền của hàng triệu phụ nữ Pakistan.
Sự việc của Tổng thống Zardari lần này có nét giống với vụ tán tụng trước kia của một chính trị gia cấp cao của Pakistan. Trong cuốn tiểu sử về bà Condoleezza Rice của Marcus Mabry có đoạn nhắc đến cuộc gặp giữa cựu Thủ tướng Pakistan Shaukat Aziz và bà Rice. Khi đó, ông Aziz được cho là đã nhìn sâu vào mắt Ngoại trưởng Mỹ và nói với bà rằng ông có thể “chinh phục bất kỳ phụ nữ nào trong 2 phút”.
Tuy nhiên, đối với hầu hết người dân Pakistan, vụ việc này sẽ sớm rơi vào quên lãng khi đất nước đang phải đối mặt với khủng bố, với giá lương thực không ngừng tăng cao và nền kinh tế suy giảm. “Chúng tôi không quan tâm nhiều đến chuyện các chính trị gia cư xử như thế nào. Những gì chúng tôi thực sự quan tâm là làm sao cho giá cả giảm xuống”, Nazeera Bibi, một nữ nhân viên phục vụ ở Lahore, cho biết.
Phan Anh
Theo AP