1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thống Pakistan chính thức đối mặt với án tham nhũng

(Dân trí) – Chính phủ Pakistan đã chính thức đề nghị Thụy Sĩ mở lại hồ sơ điều tra tham nhũng đối với Tổng thống Asif Ali Zardari, động thái có thể đặt ông Zardari trước nguy cơ bị truy tố sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2013.

Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari có thể bị truy tố sau khi kết thúc nhiệm kỳ.

Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari có thể bị truy tố sau khi kết thúc nhiệm kỳ.

Đài truyền hình PTV của Pakistan ngày hôm qua đưa tin chính phủ nước này đã gửi thư đề nghị cho phía Thụy Sĩ từ hôm 5/11 sau khi chấp thuận yêu cầu của Tòa án Tối cao về việc mở lại cuộc điều tra vốn bị trì hoãn lâu nay.

Đích thân Thủ tướng Raja Pervaiz Ashraf đã chỉ thị cho Bộ trưởng Luật pháp Farooq H. Naek chuyển thư cho giới chức Thụy Sĩ và chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ tiến trình mở lại hồ sơ xét xử này.

Trước đó, Tòa án Tối cao Pakistan đặt thời hạn chót đến ngày 10/11 chính phủ phải gửi thư cho phía Thụy Sĩ và thu hồi lại bức thư cũ được Bộ trưởng Tư pháp Malik Qayyum gửi năm 2007 có nội dung đề nghị miễn truy tố đối với ông Zardari.

“Theo các yêu cầu được đưa ra trong phán quyết của Tòa án Tối cao Pakistan ngày 16/12/2009, thư đề nghị trước đây sẽ được rút lại và mọi cáo buộc sẽ được phục hồi”, bức thư có đoạn viết.

Động thái này được cho sẽ giúp tháo gỡ nút thắt lâu nay giữa chính phủ với Tòa án Tối cao Pakistan sau khi cơ quan tư pháp cao nhất nước phế truất tư cách của Thủ tướng tiền nhiệm Yousuf Gilani, hồi tháng Sáu vừa qua.

Tổng thống Pakistan Zardari đang phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng liên quan những vụ việc xảy ra từ những năm 1990, khi ông và vợ là cố Thủ tướng Benazir Bhutto bị nghi sử dụng tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ "rửa" 12 triệu USD tiền hối lộ của các công ty muốn nhận được các hợp đồng thanh tra hải quan.

Những cáo buộc nhằm vào ông được đưa ra từ năm 2007, nhưng sau đó ông được ân xá cùng với một loạt chính trị gia khác, nhờ sắc lệnh của Tổng thống cầm quyền khi đó là ông Pervez Musharraf.

Năm 2008, các nhà chức trách Thụy Sĩ cũng khép lại hồ sơ vụ án chống ông Zardari sau khi ông được bầu làm Tổng thống Pakistan.

Tuy nhiên đến năm 2009, Tòa án Tối cao đã bãi bỏ sắc lệnh ân xá của cựu Tổng thống Musharraf, đồng thời liên tục hối thúc chính phủ của Thủ tướng Gilani đề nghị phía Thụy Sĩ mở lại hồ sơ xét xử, bất chấp chính phủ đã nhiều lần từ chối với lý do Tổng thống được miễn tố khi đang tại nhiệm.

Mâu thuẫn giữa Tòa án Tối cao và chính phủ căng thẳng tới mức cơ quan tư pháp này đã quyết định phế truất tư cách của Thủ tướng Gilani, động thái mở đường đưa ông Ashraf lên làm Thủ tướng Pakistan.

Đức Vũ
Theo AFP