1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga cảnh báo "thảm kịch toàn cầu" nếu phương Tây đưa quân tới Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức Nga cảnh báo Moscow sẽ đáp trả bằng hành động quân sự nếu phương Tây đưa quân tới Ukraine.

Nga cảnh báo thảm kịch toàn cầu nếu phương Tây đưa quân tới Ukraine - 1

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev (Ảnh: Tass).

"Việc gửi quân của họ đến lãnh thổ Ukraine sẽ khiến quốc gia của họ trực tiếp tham gia vào cuộc chiến và chúng tôi sẽ phải đáp trả. Và thật không may, không phải trên lãnh thổ Ukraine. Sẽ có một thảm kịch toàn cầu", Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev viết trên Telegram hôm 6/5.

Ông Medvedev cảnh báo giới tinh hoa phương Tây sẽ không thể né tránh phản ứng của Nga dù ở Đồi Capitol (Mỹ), Điện Elysee (Pháp) hay số 10 phố Downing (Anh).

"Điều này đã được ông Kennedy và Khrushchev nhận ra cách đây hơn 60 năm. Nhưng những người đang lên nắm quyền ở phương Tây không muốn nhận ra điều này", ông Medvedev cho biết thêm.

Theo cựu tổng thống Nga, đó là lý do Nga sẽ tiến hành cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật theo lệnh của Tổng thống Vladimir Putin. Bộ Quốc phòng Nga thông báo về kế hoạch tập trận hôm 6/5.

Trong những ngày đầu tiên của cuộc xung đột ở Ukraine, Tổng thống Putin tuyên bố chuyển lực lượng hạt nhân Nga sang "chế độ cảnh báo chiến đấu đặc biệt". 6 tháng sau, ông Putin cảnh báo sẽ sử dụng "tất cả các phương tiện sẵn có" để bảo vệ các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở Ukraine.

Đầu năm ngoái, ông Putin tuyên bố chấm dứt việc Nga tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược với Mỹ. 1 tháng sau, ông tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.

Đây là lần đầu tiên Nga triển khai kho vũ khí hạt nhân bên ngoài biên giới kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Belarus có đường biên giới dài 1.250km với các nước thành viên NATO là Latvia, Lithuania và Ba Lan. Belarus cũng giáp với Ukraine, nơi đang nổ ra các cuộc giao tranh khốc liệt.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là loại vũ khí được thiết kế để sử dụng trên chiến trường, có thiết kế nhỏ hơn và được sử dụng ở khoảng cách ngắn, khác với vũ khí hạt nhân chiến lược vốn được dùng để tấn công các mục tiêu chiến lược ở khoảng cách xa.

Điện Kremlin chỉ rõ rằng cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật mới nhất nhằm đáp trả tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các quan chức Anh.

Nga trong những ngày gần đây đã chỉ trích Tổng thống Macron vì nói với tạp chí Economist rằng ông "không loại trừ bất cứ điều gì" trong phản ứng của phương Tây đối với cuộc chiến ở Ukraine, bao gồm việc gửi quân đến nước này.

Quan điểm của ông Macron nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo một số nước. Tuy nhiên, các đồng minh phương Tây, trong đó có Mỹ, Đức, Slovakia, Ba Lan khẳng định không có kế hoạch đưa quân đến Ukraine.

Điện Kremlin cũng chỉ trích Ngoại trưởng Anh David Cameron vì tuyên bố rằng Kiev có quyền tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.

Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ Hakeem Jeffries cũng không loại trừ khả năng Washington buộc phải điều quân đến vùng chiến sự Ukraine nếu Kiev bị Nga đánh bại.

Tuy vậy, giới chức Mỹ nhiều lần khẳng định không có kế hoạch điều quân đến Ukraine. Trong bài Thông điệp Liên bang hồi tháng 2, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng, chỉ cần viện trợ quân sự và tài chính của Mỹ, Kiev vẫn có thể tự đánh bại Moscow.

Cuối tháng trước, quốc hội Mỹ đã thông qua gói viện trợ mới trị giá gần 61 tỷ USD cho Ukraine sau khoảng nửa năm đình trệ. Ukraine kỳ vọng gói viện trợ mới có thể nhanh chóng giúp quân đội nước này thoát khỏi tình trạng cạn kiệt vũ khí, đạn dược.

Theo Kyiv Post