1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ lần đầu xác nhận sử dụng vũ khí laser trong thực chiến

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quân đội Mỹ lần đầu tiên xác nhận đã sử dụng vũ khí laser trong chiến đấu.

Mỹ lần đầu xác nhận sử dụng vũ khí laser trong thực chiến - 1

Một hệ thống phòng không dùng tia laser đánh chặn mục tiêu (Ảnh: Forbes).

Theo Forbes, Mỹ đã đầu tư hàng chục tỷ USD trong hàng chục năm qua để nghiên cứu và phát triển vũ khí laser trực tiếp và giờ đây họ đã sử dụng chúng trong chiến đấu.

Doug Bush, một quan chức Lục quân Mỹ, nói với Forbes rằng lực lượng này đã sử dụng laser để hạ gục các máy bay không người lái của đối thủ ở Trung Đông. Đây là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng thừa nhận vũ khí laser đã được sử dụng trong chiến đấu.

"Chúng có tác dụng trong một số trường hợp. Trong điều kiện thích hợp, chúng có hiệu quả cao trước các mối đe dọa nhất định", ông Bush nói.

Theo Forbes, vũ khí mà ông đề cập tới có thể là hệ thống P-HEL. Vũ khí này được thiết kế để phóng ra chùm tia laser công suất 20 kilowatt tương đối thấp, làm tan chảy một điểm quan trọng trên máy bay không người lái trong vài giây, làm nó hỏng và rơi xuống.

Đây được xem là một dấu mốc với Lầu Năm Góc, bên đang tìm cách ứng phó hiệu quả với mối đe dọa của máy bay không người lái. Về cơ bản, Mỹ có khả năng đánh chặn UAV nhưng việc chi các quả tên lửa hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu USD để bắn rơi những vũ khí giá trị vài nghìn USD là một sự lãng phí và không bền vững.

Vũ khí laser có thể là câu trả lời cho quân đội Mỹ. Chúng sử dụng bức xạ điện từ để đốt cháy các bộ phận điện của mục tiêu. Chi phí cho mỗi lần bắn dao động từ 1 đến 10 USD cho nhiên liệu diesel cần thiết để tạo ra điện cung cấp năng lượng cho vũ khí laser.

Một lợi ích khác của vũ khí laser: tàng hình. Các chùm tia thường vô hình và khó bị phát hiện.

UAV nhỏ là mục tiêu dễ dàng hơn cho vũ khí laser nếu so với tên lửa và máy bay chiến đấu có người lái vì UAV bay tương đối chậm và thấp.

Nhưng vũ khí laser cũng tốn chi phí để chế tạo. Ví dụ, nguyên mẫu P-HEL trị giá 8 triệu USD. Trong khi đó, hệ thống DE M-SHORAD có công suất lớn hơn, vào khoảng 50 kW, có giá 73 triệu USD, gần bằng một chiếc tiêm kích.

Ngoài ra, hiệu quả tấn công của vũ khí laser cũng vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Tia laser dễ bị cản trở bởi bão cát, mưa, sương mù và khói. Ngay cả vào những ngày quang đãng, nhiễu loạn không khí có thể làm tia laser yếu đi.

Theo Forbes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm