Tổng thống Obama cắt ngắn thêm chuyến thăm Đông Nam Á
(Dân trí) - Không chỉ hủy chặng dừng chân tại Malaysia, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã quyết định hủy chuyến thăm tới Philippines, hai chặng dừng chân cuối cùng của ông trong chuyến công du châu Á sắp tới.
Bước sang ngày thứ hai chính phủ bị ngưng hoạt động, Tòa Bạch Ốc nói rằng Tổng thống Obama đã hủy bỏ các chuyến thăm theo dự trù đến Malaysia và Philippines do không có đủ kinh phí.
“Sẽ không khả thi khi tiếp tục thăm Malaysia và Philippines vào cuối chuyến công du”, tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ.
Tuy nhiên, ông Obama vẫn sẽ giữ hai chặng dừng ban đầu theo như kế hoạch là đến Indonesia dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Brunei dự Cấp cao Đông Á (EAS).
Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ có kế hoạch thăm 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Indonesia, Brunei, Malaysia và Philippines từ ngày 6 -12/10 bàn về hai chủ đề trọng tâm là kinh tế và an ninh.
Quyết định cắt ngắn chuyến thăm được đưa ra khi chính phủ Mỹ bước sang ngày đóng cửa thứ hai, hậu quả của việc các nhà lập pháp đã không gia hạn cấp ngân sách hoạt động cho chính phủ trước thời hạn chót vào 0h00 ngày 1/10, thời điểm bắt đầu năm tài chính mới ở Mỹ.
Trong các cuộc họp riêng rẽ trước đó của Hạ viện (do đảng Cộng hòa kiểm soát) và Thượng viện (do đảng Dân chủ kiểm soát), hai bên đã không đạt được nhất trí về việc cấp ngân sách hoạt động cho chính phủ do bất đồng về thời hạn áp dụng Đạo luật chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Tổng thống Obama, thường được gọi là “Obamacare”.
Cụ thể, Hạ viện chỉ đồng ý cấp kinh phí hoạt động 983 tỷ USD cho chính phủ liên bang đến ngày 25/12 với điều kiện phải lùi lại một năm thực hiện Đạo luật Obamacare. Tuy nhiên, ngay sau đó đề xuất của Hạ viện đã bị Thượng viện bác bỏ với lý do cần phải thực hiện Đạo luật Obamacare theo đúng kế hoạch (từ ngày 1/1/2014) để đảm bảo tăng thu ngân sách và chăm sóc tốt hơn sức khỏe cho người dân, nhất là những người nghèo.
Sự bế tắc tại Quốc hội Mỹ đã đẩy hơn 700.000 công chức liên bang vào cảnh nghỉ việc không lương, trong khi những người còn lại vẫn đi làm nhưng sẽ bị trả lương chậm. Tất cả các ngành nghề, dịch vụ không thiết yếu phải tạm ngừng đóng cửa như các công viên quốc gia, bảo tàng, khu vực cấp bằng lái, thị thực…
Theo kết quả một cuộc thăm dò do Đại học Quinnipiac thực hiện, có tới 72% cử tri Mỹ phản đối việc đóng cửa chính phủ.
Nhiều người dân cũng đã xuống đường phản đối, yêu cầu các nghị sĩ Mỹ hành động có trách nhiệm hơn, biết vì quyền lợi của người dân và lợi ích của đất nước thay vì khư khư bảo vệ lợi ích phe nhóm, đảng phái.