Tổng thống Nga Putin sắp thăm Trung Quốc
(Dân trí) - Chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tập trung vào kinh tế vì hai cường quốc này hiện đang đàm phán về quá trình hợp tác của Bắc Kinh với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU).
Trong khi những lợi ích kinh tế nếu Trung Quốc gia nhập EEU vẫn chưa rõ thì vấn đề chính trị là một chủ đề mà Tổng thống Putin quan tâm khi bắt đầu chuyến đi. Trong bài viết đăng tải trên tạp chí Forbes ngày 22/6, nhà quan sát Kenneth Rapoza cho rằng, sau Diễn đàn kinh tế St. Petersburg và việc EU sẽ gia hạn lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow, Nga một lần nữa đang hướng sang Trung Quốc. Theo đó, Nga đang hy vọng có thể lôi kéo Trung Quốc vào một liên minh thương mại tương tự như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương của Mỹ.
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin sẽ diễn ra sau Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại thủ đô Tashkent của Uzbekistan. Nhà quan sát Rapoza đánh giá: “Uzbekistan vẫn còn nghèo và nước này có thể cũng sẽ hướng sang Trung Quốc nhằm tìm kiếm hy vọng rằng sáng kiến ‘Một vành đai, một con đường’ có thể làm sống lại những ngày tháng phát triển huy hoàng như những năm 1900”.
Các quốc gia trong EEU đang chờ đợi xem liệu chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin có đi kèm với một thỏa thuận rõ ràng hơn về sự gia nhập của Trung Quốc vào “quỹ đạo thương mại” này hay không. EEU hiện có 5 quốc gia từng là thành viên trong Liên Xô cũ trước đây, gồm Nga, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan và Belarus. Theo tác giả Rapoza, Trung Quốc có thể quan tâm tới việc tăng cường hội nhập với EEU nếu Bắc Kinh có thể sử dụng liên minh này để tăng cường hoạt động xuất khẩu than đá, thép và xe hơi tới các thị trường này.
Gần đây, Nga đang hướng tới việc củng cố mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc. Trong vòng 2 năm qua, Nga và Trung Quốc đã ký nhiều thỏa thuận, chủ yếu về dầu mỏ và khí đốt. Bình luận về chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Tổng thống Putin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Ngoại trưởng Lavrov nói: “Quan hệ đối tác Nga - Trung là hình mẫu tuyệt vời cho mối quan hệ liên chính phủ trong thế kỷ 21”.
Kinh tế Nga vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Dù giá dầu đã tăng trở lại trong thời gian qua song điều này chưa giúp Moscow cải thiện được tình hình. Do vậy, chiến lược “xoay trục về hướng Đông” của Nga được đánh giá là một bước đi có triển vọng. Tuy nhiên, nhà quan sát Rapoza cho rằng Nga sẽ vấp phải sự cạnh tranh tại châu lục này do chính sách xoay trục sang châu Á là một chiến lược mà Mỹ đã thực hiện từ lâu.
Nhà quan sát Rapoza viết: “Chiến lược hướng Đông của Nga diễn ra trong thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, trong khi hoạt động xuất khẩu của Bắc Kinh lại đang gặp khó khăn khi nhiều nước muốn nhận được sự hỗ trợ về vốn của Bắc Kinh lại muốn ưu tiên phát triển sản xuất trong nước, thay vì nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc. Với Tổng thống Putin, việc thuyết phục được Trung Quốc gia nhập EEU là một thành tựu mang tính chính trị hơn là kinh tế. Nếu Trung Quốc nhất trí trở thành thành viên của EEU, đây sẽ là một tín hiệu tích cực về dài hạn”.
Trong khi đó, bà Lauren Goodrich, chuyên gia cấp cao về các vấn đề Á - Âu tại mạng tin phân tích chiến lược Stratfor của Mỹ, cho rằng chính sách hướng sang Trung Quốc của Nga là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới châu Âu. Bà Goodrich đánh giá: “Nga đang hướng sang các đối tác ở phía Đông và có những dấu hiệu cho thấy họ đang xích lại với Trung Quốc. Điều này có thể coi là một giải pháp của họ trước những lệnh trừng phạt của châu Âu”.
Trung Quốc là một trong những đối tác quan trọng nhất của Nga. Trong vòng 3 năm qua, Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau 15 lần. Đại sứ Nga tại Trung Quốc, ông Andrey Denisov nhận xét: “Mỗi cuộc gặp của nguyên thủ Nga và Trung Quốc đều là một sự kiện mang tầm cỡ thế giới”.
Ngọc Anh
Theo Sputnik