Tổng thống Nga chứng minh khả năng tiên tri
Tổng thống Nga Putin đã chứng minh khả năng tiên đoán về cuộc khủng hoảng di cư, về cuộc chiến chống IS và cả giá dầu.
Ông Putin cáo buộc Mỹ là “đạo đức giả”
Ngày 4/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu là hệ quả nhãn tiền từ các chính sách của châu lục này ở Trung Đông, nhấn mạnh cá nhân ông trước đó đã cảnh báo về những hậu quả như vậy.
Trong những bình luận được phát sóng trên đài truyền hình quốc gia, ông Putin nói: "Tôi cho rằng cuộc khủng hoảng này hoàn toàn nằm trong dự liệu. Chúng tôi nhiều năm trước đã cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng nếu các đối tác Phương Tây theo đuổi chính sách sai lầm này".
Tổng thống Nga Putin phát biểu tại EEF 2015
Ông Putin cũng cực lực chỉ trích chính sách đối ngoại của châu Âu ở Trung Đông và Bắc Phi mà ông cho rằng không phù hợp với đặc thù của 2 khu vực.
Ông Putin nói: "Đó là hành động áp đặt các chuẩn mực của châu Âu mà không màng tới những đặc điểm lịch sử, tôn giáo, dân tộc hay văn hóa của các khu vực này", đồng thời cáo buộc châu Âu "tuân theo các yêu cầu của Mỹ một cách mù quáng".
Ngoài ra, Tổng thống Putin còn cáo buộc truyền thông Mỹ đạo đức giả trong việc đưa tin về nỗi thống khổ của người di cư tới châu Âu, trong đó có nhiều người tới từ Syria.
Về cuộc khủng hoảng Syria
Liên quan tới tình hình Syria, ông Putin cùng ngày 4/9 tuyên bố Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẵn sàng tổ chức các cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn và có thể chia sẻ quyền lực với phe đối lập, những đối tượng được coi là “lành mạnh”.
Phát biểu với báo giới bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) ở Vladivostok, vùng Viễn Đông (Nga), ông Putin nói: “Chúng tôi đang làm việc với các đối tác ở Syria. Nhìn chung, cần phải nhận thức rằng việc tập hợp các nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố sẽ phải diễn ra song song với quá trình chính trị ngay tại quốc gia Trung Đông này.
Những người di cư từ Syria tại Serbia
Tổng thống Syria nhất trí với điều đó và tất cả đều dẫn đến việc tổ chức các cuộc bầu cử sớm, các cuộc tiếp xúc với cái gọi là phe đối lập lành mạnh và chia sẻ quyền lực với họ”.
Ông Putin cũng tuyên bố Moskva sẽ sớm thảo luận về việc tham gia các chiến dịch quân sự chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS). Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ tuyên bố đang xác minh thông tin nói rằng Nga đang triển khai binh sĩ ở Syria.
Khi được hỏi liệu Moskva có thể tham gia các chiến dịch quân sự chống IS hay không, ông Putin nói: "Chúng tôi đang xem xét nhiều phương án song cho đến nay phương án này vẫn chưa nằm trong chương trình nghị sự. Nhưng chúng tôi đã và đang hỗ trợ Syria một cách nghiêm túc bằng thiết bị, vũ khí và huấn luyện các binh sĩ của nước này".
Ngoài ra, ông Putin cũng chỉ trích chiến dịch không kích chống IS của Mỹ là thiếu hiệu quả. Đây cũng chính là điều mà Tổng thống Nga cảnh báo từ khi chiến dịch không kích mới bắt đầu.
Một em bé sống sót sau vụ pháo kích ở Douma, gần thủ đô Damascus của Syria
Bình luận của nhà lãnh đạo Nga được đưa ra sau khi một tài khoản trên mạng xã hội có liên hệ với các tay súng ở Syria đăng nhiều bức ảnh chụp các máy bay không người lái và chiến đấu cơ của Nga ở gần tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria.
Hôm 3/9, Nhà Trắng cho biết Mỹ đang theo dõi sát sao các thông tin về việc Nga đang triển khai các chiến dịch quân sự tại Syria, đồng thời cảnh báo những hành động như vậy, nếu được xác nhận là đúng sự thật, sẽ "gây bất ổn và phản tác dụng".
Về giá dầu
Trong khi đó, liên quan tới lĩnh vực kinh tế, ông Putin tuyên bố nền kinh tế Nga đã gần như thích ứng với tình hình giá dầu thấp hiện nay.
Phát biểu với các phóng viên, ông Putin nói: "Chúng tôi không thấy có điều gì bi kịch trong việc điều chỉnh giá dầu. Tôi cho rằng những thay đổi về giá dầu là hoàn toàn được dự kiến".
Ông cũng nêu những lý do dẫn đến biến động của giá dầu như khai thác dư thừa sản lượng và sự trở lại của Iran. Tổng thống Nga cho rằng "tất cả rồi sẽ trở lại hoàn toàn bình thường và theo quy luật tự nhiên".
Giá dầu giảm cũng trong dự liệu của ông Putin?
Ông Putin nhấn mạnh Chính phủ Nga sẽ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ xã hội. Theo ông, chính phủ đã chuẩn bị sẵn nhiều biện pháp và đề xuất phương án ứng phó trong điều kiện kinh tế hiện nay.
Những tuyên bố của ông Putin hoàn toàn không phải “vuốt đuôi” bởi những cảnh báo liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, cuộc chiến chống IS hay giá dầu đã đươc nhà lãnh đạo Nga đưa ra từ lâu.
Ngoài ra, Nga hiện cũng đang chứng tỏ sức hút của mình bất chấp bị Mỹ và phương Tây tìm mọi cách bao vây cô lập. Điển hình mới nhất là Nga đã tổ chức thành công EEF.
Diễn đàn EEF diễn ra từ ngày 3-5/9 với sự tham gia của khoảng hơn 4.000 người, trong đó có khoảng 1.500 đại biểu nước ngoài. Nhân sự kiện này, hàng loạt thỏa thuận đã được ký kết với tổng trị giá lên tới 1.300 tỷ ruble (18,9 tỷ USD).
Phó Thủ tướng Nga Trutnev nêu rõ: "Con số các thỏa thuận được ký kết là 80 với tổng trị giá là 1.300 tỷ ruble". Tuy nhiên, ông cho rằng việc thu hút đầu tư châu Á vào khu vực Viễn Đông hiện tại còn diễn ra khá chậm.
Đáng chú ý, tham dự EEF có đại diện đến từ các quốc gia đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Diễn đàn kinh tế phương Đông được kỳ vọng trở thành sân chơi quan trọng, giống như diễn đàn kinh tế St. Petersburg (Xanh Pê-téc-bua) nổi tiếng của Nga, dành cho khu vực châu Á-Thái Binh Dương.
Theo Minh Khánh
Đất Việt