Tổng thống Mỹ yêu cầu Trung Quốc ngừng bồi đắp đảo nhân tạo
(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 18/11 đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo trên Biển Đông, và tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Washington trong việc bảo vệ đồng minh Philippines.
Tuyên bố trên được ông Obama đưa ra sau cuộc hội đàm với Tổng thống Philippine Benigno Aquino, bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC tại Manila. Đồng thời nhà lãnh đạo Mỹ cũng bày tỏ mong muốn phối hợp với tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền trong khu vực để giải quyết tranh chấp.
Ông Obama cũng khẳng định “cam kết vững chắc” sẽ bảo vệ đồng minh Philippines.
“Chúng tôi có một cam kết vững chắc trong việc bảo vệ Philippines”, Tổng thống Obama nói trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp nước chủ nhà.
Ông khẳng định Mỹ và Philippines là “những đồng minh lớn” và chuyến thăm Philippines lần này để dự hội nghị APEC sẽ giúp củng cố và khẳng định cam kết của chính phủ Mỹ “với vấn đề an ninh và phòng thủ của Philippines”
Obama gọi ông Aquino là “một người bạn quý và đáng tin cậy của nước Mỹ”.
“Chiến lược tái cân bằng sang châu Á Thái Bình Dương của chúng tôi bắt nguồn từ hiệp ước của chúng tôi với các đồng minh, trong đó có Philippines”, vị Tổng thống Mỹ giải thích.
Tuyên bố trên được người đứng đầu Nhà Trắng đưa ra chỉ một ngày sau khi phía Trung Quốc khẳng định đã thể hiện “sự kiềm chế lớn” trên các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, khi không giành lại những hòn đảo bị các nước khác chiếm đóng (!?)
Phát biểu từ Bắc Kinh, thứ trưởng ngoại giao Liu Zhenmin tuyên bố chính Trung Quốc mới là nạn nhân trên Biển Đông, khi “hàng chục” hòn đảo và bãi đá ngầm của nước này trong quần đảo Trường Sa bị 3 bên tuyên bố chủ quyền khác chiếm đóng trái phép.
“Chính phủ Trung Quốc có quyền và đủ khả năng giành lại các đảo và bãi đá bị chiếm đóng trái phép bởi các quốc gia láng giềng”, ông Liu tuyên bố. “Nhưng chúng tôi đã không làm vậy. Chúng tôi duy trì sự kiềm chế lớn lao với mục tiêu gìn giữ hòa bình và ổn định tại Biển Đông”.
Ông Liu cũng tuyên bố hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc không nhằm mục tiêu quân sự hóa.
Thời gian qua, căng thẳng trên Biển Đông đã lên cao sau khi Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động bồi đắp 7 đảo nhân tạo trong khu vực quần đảo Trường Sa, và xây dựng nhiều công trình phi pháp như đường băng, hải đăng, và các cơ sở được tin là phục vụ mục đích quân sự.
Đáp lại, quân đội Mỹ đã điều động tàu khu trục tên lửa đi vào vùng nước 12 hải lý gần đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp, trong chiến dịch tự do hàng hải, thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. Cuối tuần trước, hai máy bay ném bom chiến lược B-52 cũng được Không quân Mỹ điều từ đảo Guam bay áp sát các đảo nhân tạo này.
Thanh Tùng
Theo RT, Inquirer