1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tổng thống Mỹ bị Hạ viện luận tội: “Ngày buồn” chẳng của riêng ai

Tuy nhiên, tiến trình luận tội chỉ là khởi đầu cho “nỗi buồn” sẽ kéo dài và ám ảnh Tổng thống, lưỡng viện, người dân Mỹ và thế giới thời gian tới.

Tổng thống Mỹ bị Hạ viện luận tội: “Ngày buồn” chẳng của riêng ai - 1

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi công bố kết quả bỏ phiếu khởi động tiến trình luận tội Tổng thống Mỹ tại Hạ viện tối ngày 18/12. (Nguồn: AFP)

Sáng ngày 19/12 (theo giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ đã thông qua hai điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump. Ở Điều I, “Lạm quyền”, số phiếu đồng thuận là 230 phiếu (so với 216 phiếu cần thiết), phản đối là 197 phiếu. Ở Điều II, “Cản trở Quốc hội”, tỷ lệ này là 229 phiếu thuận – 198 phiếu chống. Đáng chú ý, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã không hài lòng trước việc các hạ nghị sỹ đảng Dân chủ ăn mừng sau khi Điều I được thông qua. Sau cái lườm của người đứng đầu Hạ viện, phe Dân chủ đã không tỏ thái độ hoan hỉ khi kết thúc bỏ phiếu Điều II.

Phát biểu ngay sau đó, bà Nancy Pelosi cho rằng, ngày 18/12 “là một ngày tuyệt vời với Hiến pháp” nhưng "là một ngày buồn đối với nước Mỹ". Thái độ của Chủ tịch Hạ viện là đúng mực, bởi kết quả này phản ánh một thực tế không hề dễ chịu của xứ cờ hoa hiện nay: Nước Mỹ đang chia rẽ hơn bao giờ hết và tình trạng này nhiều khả năng sẽ kéo dài, tác động lớn tới quá trình phê duyệt, triển khai quyết sách của Lưỡng viện, Chính phủ và hơn cả, ảnh hưởng tới kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 10/2020.

Mầm mống bất đồng

Đầu tiên, kết quả này phản ánh sự chia rẽ sâu sắc giữa lưỡng đảng. Hạ viện Mỹ có 233 hạ nghị sỹ đảng Dân chủ và 197 hạ nghị sỹ đãng Cộng hòa. Ở Điều I, tất cả các hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa, cùng 2 hạ nghị sỹ của đảng Dân chủ là Jeff Van Drew và Collin Peterson bỏ phiếu chống lại điều khoản này. Ở Điều II, hạ nghị sỹ Jared Golden đã bỏ phiếu chống. Ứng cử viên Tổng thống năm 2020, nghị sỹ đảng Dân chủ gốc Samoan đầu tiên của Mỹ, Tulsi Gabbard bỏ phiếu trắng. Hạ nghị sỹ độc lập Justin Amash bỏ phiếu thuận đối với cả hai điều khoản.

Kết quả này phản ánh quan điểm tương đối rõ ràng giữa thành viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Hạ viện. Tuy nhiên, việc một vài hạ nghị sỹ đảng Dân chủ bỏ phiếu chống hoặc trắng đối với hai Điều khoản luận tội cho thấy rằng đã có sự bất đồng và khi cuộc luận tội được triển khai, đi vào giai đoạn cao trào, không loại trừ khả năng nó sẽ lớn dần và tạo nên bất đồng trong chính nội bộ của đảng Dân chủ.

Tổng thống Mỹ bị Hạ viện luận tội: “Ngày buồn” chẳng của riêng ai - 2

Phát biểu tại buổi vận động ở Battle Creek, bang Michigan, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng đảng Dân chủ đang “cố tình vô hiệu hóa” chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử sắp tới. (Nguồn: Getty Images)

Cuộc đối đầu dai dẳng

Thứ hai, một khi được triển khai, tiến trình luận tội nhiều khả năng sẽ kéo dài, tiêu tốn thời gian và công sức của lưỡng viện và Nhà Trắng. Theo tờ Time, nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng kế hoạch, Lưỡng viện Mỹ sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về số phận của Tổng thống Donald Trump vào cuối tháng 3/2020, 7 tháng trước khi bầu cử Tổng thống diễn ra. Tuy nhiên, con số này chỉ là ước lượng và hoàn toàn có thể kéo dài hơn, tùy thuộc vào quá trình xét xử của Thượng viện Mỹ.

Cần nhớ rằng Thượng viện hiện do đảng Cộng hòa chiếm đa số; đảng này vẫn duy trì lập trường ủng hộ Tổng thống. Như vậy, phe Cộng hòa hoàn toàn có đủ khả năng kéo dài quá trình luận tội tại Thượng viện cho đến sát bầu cử, trước khi đưa ra kết luận có lợi cho ông Donald Trump, qua đó trực tiếp giúp ích cho ông trong hành trình trở lại Nhà Trắng năm 2020.

Tuy nhiên, luận tội kéo dài tới sát bầu cử sẽ khiến sự chia rẽ giữa lưỡng đảng nói riêng và cử tri Mỹ nói chung lớn hơn bao giờ hết.

“Ngày buồn” chung

Thứ ba, cuộc luận tội sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình phê duyệt, triển khai quyết sách của lưỡng viện và Chính phủ. Nhiều khả năng Đảng Dân chủ sẽ tận dụng điều này để tấn công vào cá nhân ông Trump và đảng Cộng hòa, tác động tới phê duyệt chính sách của Nhà Trắng. Ba quý đầu năm 2020 là thời gian bản lề đối với ông Donald Trump và nếu không hoàn thành mục tiêu đã đề ra khi đắc cử cử, khả năng quay trở lại Nhà Trắng của ông sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Đáng ngại hơn, đối đầu với chiến lược đó, đảng Cộng hòa với đa số tại Thượng viện cùng ông Donald Trump có thể thông qua một số quyết sách đối ngoại táo bạo, thay đổi hiện trạng quan hệ với Nga, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Triều Tiên và Syria. Chúng có thể mang tới hiệu quả tức thì, củng cố uy tín, vai trò của ông Trump trước luận tội và bầu cử, bất chấp tác động tiêu cực về trung hạn, dài hạn đối với vị thế, lợi ích Mỹ và hòa bình, ổn định thế giới.

Như vậy, kết quả bỏ phiếu luận tội trên thực tế là khởi đầu cho một chuỗi “ngày buồn” sẽ đi vào lịch sử của nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.

Theo Phan Quân

Thế giới & Việt Nam