1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Medvedev cảnh báo EU về “khuynh hướng chống Nga”

(Dân trí) - Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm nay đã cảnh báo Liên minh châu Âu, EU, không nên biến mối quan hệ đối tác với các nước thuộc liên bang Xô viết cũ theo hướng “chống Nga”.

Tổng thống Medvedev cảnh báo EU về “khuynh hướng chống Nga” - 1
Tổng thống Medvedev đã có bài phát biểu ở cuối hội nghị thượng đỉnh Nga –EU được tổ chức ở Khabarovsk, vùng Viễn Đông của Nga, trong bối cảnh các bên chia rẽ sâu sắc về vấn đề an ninh, thương mại và nguồn cung cấp năng lượng.
 

Người đứng đầu nước Nga cũng ám chỉ đến một cuộc khủng hoảng khí đốt mới trong tương lai và cho rằng Ukraine thiếu tiền trả khí đốt mà Nga cung cấp cho nước này. Bất đồng về giá cả đã gây ảnh hưởng nặng nề tới nguồn cung khí đốt cho châu Âu hồi tháng 1 đầu năm.

 

Theo đánh giá của giới phân tích, chia rẽ giữa Nga và Liên minh châu Âu có vẻ ngày càng sâu sắc, và hội nghị thượng đỉnh mới nhất này càng đã làm nổi bật chia rẽ đó. Hội nghị hầu như không đạt được tiến bộ nào về các chủ đề quan trọng.

 

“Khuynh hướng chống Nga”

 

EU đã đưa ra Sáng kiến Quan hệ đối tác phương Đông nhằm mục đích củng cố mối quan hệ chính trị, kinh tế để đổi lấy những cải cách dân chủ. Armenia, Azerbaijan, Belarus, Gruzia, Moldova và Ukraine đã ký tham gia sáng kiến này, nhằm củng cố ổn định trong khu vực. Tuy nhiên sáng kiến không bao gồm khả năng gia nhập EU.

 

 “Chúng tôi không muốn Quan hệ đối tác phương Đông bị biến thành quan hệ đối tác chống lại Nga. Đã có nhiều ví dụ về vấn đề này”, Tổng thống Medvedev cho biết tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị thượng đỉnh. “Tôi chỉ không muốn mối quan hệ đối tác này củng cố cho một số nhà nước riêng lẻ nhất định nào đó, những nhà nước có khuynh hướng chống Nga, cùng với các nước châu Âu khác”.

 

Mátxcơva đã cáo buộc liên minh gồm 27 thành viên EU đang tạo ra những đường chia rẽ mới tại châu Âu bằng cách củng cố mối quan hệ với 6 nước cộng hòa thuộc liên bang Xô viết trước kia.

 

Đối vấn đề cung cấp năng lượng đầy chia rẽ, Tổng thống Medvedev đã đặt nghi vấn về khả năng trả hàng tỷ đô la của Ukraine cho lượng khí đốt nước này được cung cấp. Ông cũng đề xuất rằng Mátxcơva và EU nên giúp đỡ Ukraine trả món nợ khí đốt này. Tuy nhiên phía Ukraine phủ nhận chuyện họ thiếu tiến.

 

Nga cung cấp 42% lượng khí đốt xuất khẩu của mình cho EU. Quyết định cắt tất cả các đường dẫn khí đốt sang châu Âu của nước này cũng đồng nghĩa với việc nhiều nước thành viên EU bị mất nguồn cung khí đốt trong hai tuần vào tháng 1 vừa qua. Phát biểu tại Khabarovsk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cảnh báo không nên có thêm gián đoạn nào về nguồn cung cấp khí đốt từ Nga.

 

Phan Anh

Theo BBC