1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thống Lee Myung Park gặp rắc rối với thịt bò Mỹ

(Dân trí) - Theo kết quả thăm dò dư luận đăng trên tờ "Munhwa Ilbo" này 30/5, nhiều người ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Park trong cuộc bầu cử hồi tháng 12/2007 đã quay lưng lại với ông này do các cuộc đàm phán gây tranh cãi về việc nhập khẩu thịt bò Mỹ.

Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Lee Myung Park đã xuống còn 29,2%, giảm 23,3 điểm so với hồi tháng Tư. Có 57% số người được hỏi cho rằng Chính phủ Hàn Quốc đã không giải quyết hiệu quả vấn đề nhập khẩu thịt bò Mỹ, 12% bày tỏ nỗi thất vọng với các bộ trưởng nội các và thư ký của Tổng thống Lee Myung Park.

 

Ngày 29/5, gần 10.000 người Hàn Quốc đã xuống đường biểu tình yêu cầu Tổng thống Lee Myung Park từ chức sau khi chính phủ của ông dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò từ Mỹ. Đây là cuộc biểu tình lớn đầu tiên chống chính phủ kể từ khi ông Lee Myung Park nhậm chức.

 

Những người biểu tình đã diễu hành qua trung tâm Seoul sau khi tập trung thắp nến bên ngoài trung tâm thương mại của thành phố. Hàng nghìn cảnh sát chống bạo động đã được đặt trong tình trạng báo động xung quanh ngã tư gần Đại sứ quán Mỹ.

 

Cuộc biểu tình diễn ra sau khi Bộ trưởng Nông nghiệp Hàn Quốc Chung Woon-chun công bố các qui định mới về nhập khẩu, trong đó cho phép nối lại nhập khẩu và kiểm tra đối với thịt bò Mỹ dự kiến sẽ được bán tại thị trường Hàn Quốc vào tuần tới. Người dân Hàn Quốc phản đối việc dỡ bỏ lệnh cấm nói trên vì lo ngại bệnh bò điên. Nhằm loại bỏ lo ngại của dân chúng, ông Chung Woon-chun cam đoan sẽ cho kiểm tra kỹ lưỡng các lô thịt bò nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời khẳng định việc sử dụng thịt bò của Mỹ là hoàn toàn an toàn. 

 

Việc nối lại nhập khẩu thịt bò Mỹ là điều kiện tiên quyết để Quốc hội Mỹ phê chuẩn hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, một hiệp định mà các nhà phân tích cho rằng sẽ nâng kim ngạch thương mại hàng năm giữa hai nước thêm 20 tỷ USD. Tuy nhiên, Quốc hội Hàn Quốc đã không thể phê chuẩn hiệp định này trước khi kết thúc nhiệm kỳ 4 năm vào ngày 29/5 vừa qua.

 

Sơn Nam

Theo AFP