1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tổng thống Joe Biden: Mỹ không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Washington sẽ duy trì các đường dây liên lạc cởi mở và không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc.

Tổng thống Joe Biden: Mỹ không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden lên máy bay rời Campuchia đến Indonesia dự hội nghị thượng đỉnh G20 hôm 13/11 (Ảnh: Reuters).

Trong tuyên bố ngày 13/11, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ tiếp tục "cạnh tranh mạnh mẽ" với Bắc Kinh, nhưng vẫn "đảm bảo cạnh tranh không dẫn đến xung đột".

Tuyên bố của Tổng thống Joe Biden được đưa ra khi ông dự kiến gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Bali, Indonesia tuần này. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai lãnh đạo kể từ khi ông Biden nhậm chức hồi tháng 1 năm ngoái. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết cuộc gặp có thể kéo dài "vài giờ".

"Tổng thống nhận định Mỹ và Trung Quốc đang ở trong một cuộc cạnh tranh gay gắt, nhưng sự cạnh tranh đó không nên dẫn đến xung đột hoặc đối đầu. Điều đó cần được xử lý một cách có trách nhiệm và cũng có những lĩnh vực mà hai nước có thể làm việc cùng nhau", ông Sullivan nói thêm.

Ông Sullivan khẳng định Tổng thống Biden sẽ "hoàn toàn thẳng thắn và rõ ràng" trong cuộc trò chuyện với Chủ tịch Tập Cận Bình, tiếp tục cách tiếp cận mà ông đã theo đuổi từ đầu nhiệm kỳ tổng thống. Ông Sullivan cho biết chính quyền Mỹ không tìm cách "thiết lập lại" mối quan hệ với Trung Quốc, mặc dù nhiều vấn đề và điểm nóng đã xuất hiện.

Phát biểu với phóng viên trên chuyên cơ Không Lực Một hôm 12/11, trước khi phái đoàn Mỹ đến Campuchia dự hội nghị ASEAN, ông Sullivan thông báo Tổng thống Biden sẽ đề cập đến các hoạt động tên lửa gần đây của Triều Tiên trong cuộc trao đổi với nhà lãnh đạo Trung Quốc. Chủ nhân Nhà Trắng trước đó nói rằng, ông sẽ trao đổi với nhà lãnh đạo Trung Quốc về các "lằn ranh đỏ".

Ông Sullivan nhấn mạnh, Tổng thống Biden sẽ không đưa ra yêu cầu với Bắc Kinh, mà chỉ trên cơ sở chia sẻ quan điểm. Washington coi Triều Tiên không chỉ là mối đe dọa với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc mà với "hòa bình và ổn định của toàn khu vực".

"Nếu Triều Tiên tiếp tục theo đuổi con đường này, điều đó đồng nghĩa với việc Mỹ buộc phải tăng cường hiện diện quân sự, an ninh ở khu vực. Trung Quốc nên đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc kiềm chế các xu hướng tồi tệ nhất của Triều Tiên, nhưng liệu họ có chọn làm như vậy hay không tất nhiên tùy thuộc vào họ", ông Sullivan nói.

Triều Tiên gần đây liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa và được cho là chuẩn bị thực hiện vụ thử tên lửa hạt nhân đầu tiên kể từ tháng 9/2017.

Trung Quốc ở thế tiến thoái lưỡng nan bởi một mặt ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, mặt khác phản đối các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng. Hồi tháng 5, Trung Quốc và Nga đã phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm siết trừng phạt Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của nước này. Bắc Kinh cáo buộc Washington sử dụng vấn đề Triều Tiên để mở rộng hơn nữa chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - chiến lược mà họ cho rằng nhằm kìm hãm Trung Quốc.

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm