Tổng thống Erdogan đối diện tương lai buồn?
Tổng thống Erdogan bất bình tước bỏ quyền pháp luật tối thượng, quan chức trong nước phản đối, đồng minh ngó lơ...
Trang Sputnik hôm 2/3 đưa thông tin về việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố không đồng tình với phán quyết của Tòa án nước này trong việc trả tự do cho 2 nhà báo của phe đối lập, do cáo buộc ông này tổ chức cho xe chở vũ khí sang Syria nhưng được che mắt bằng viện trợ nhân đạo.
Theo đó, 2 nhà báo là Tổng Biên tập Gian Dündar và Trưởng phòng xuất bản tại Ankara Erdem Gul thuộc tờ Cumhuriyet của phe đối lập đã từng bị bắt và kết án chung thân. Tổng thống Erdogan đã chỉ đạo cơ quan Công tố Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành khởi tố vụ án hình sự chống lại Tổng Biên tập Cumhuriyet Gian Dündar và Trưởng phòng xuất bản tại Ankara Erdem Gul với cáo buộc là các nhân vật này làm gián điệp.
Song sau quá trình điều tra, Tòa án Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ đã đi đến kết luận rằng, việc bắt giữ hai nhà báo này vi phạm quyền hạn nhà báo, sau đó ban hành quyết định trả tự do cho họ, trước khi tòa án ban hành bản án.
Quyết định của Tòa án đã bị Tổng thống Erdogan phản đối kịch liệt, khi lên tiếng tuyên bố rằng, ông không thể chấp nhận, không thể tôn trọng quyết định này, vì hai nhà báo bị bắt là do “hoạt động gián điệp, và không có bất cứ liên quan gì đến quyền tự do ngôn luận”.
Tuy nhiên, hành động này của vị Tổng thống như trút thêm dầu vào lửa. Những tuyên bố của ông Erdogan gần như ngay lập tức đã gây nên những phản ứng mạnh mẽ từ Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí chút nữa còn gây nên ẩu đả giữa các nghị sỹ thuộc đảng “Công lý và phát triển” (đảng của ông Erdogan) với các nghị sỹ thuộc các đảng đối lập.
Kemal Kilicdaroglu, lãnh đạo Đảng Cộng hòa (CHP), bình luận về lời từ chối của ông Erdogan: "Tổng thống của đất nước phải là một người gương mẫu cho xã hội, như là một cấp dưới của ngành tư pháp và pháp luật.
Nhưng nếu ông Erdogan có những biểu hiện của tính tự cao tự đại, tự cho mình quyền to nhất, thì khi đó ông sẽ tin rằng, mình phải là người đại diện pháp luật, và ông đã không tuân thủ theo luật pháp và hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ".
Phó Chủ tịch CHP Akif Ekici cũng đã cáo buộc tổng thống nước này "kéo đất nước vào một thảm họa", và khuyên ông ta nên đi “điều trị tâm thần”.
Còn Caglar Demirel, Phó Chủ tịch Khối đảng Dân chủ Nhân dân thân người Kurd, tuyên bố rằng, việc trả tự do cho Gian Dündar và Erdem Gul là tin tốt đẹp và coi những tuyên bố của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan là hành động nhằm “gâp áp lực” lên tòa án.
Trong khi đó, vị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không ít lần nhận được cáo buộc của các nghị sỹ nước này, sẵn sàng tung bằng chứng tố cáo ông có quan hệ buôn bán dầu mỏ và vũ khí với khủng bố Hồi giáo IS.
Đặc biệt là ở tình hình trong nước mới đây, khủng bố đã gia tăng tấn công trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, nặng nề nhất là vụ đánh bom ngay tại Thủ đô Ankara làm 28 người thiệt mạng hồi tuần trước.
Nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị ảnh hưởng nặng nề do các biện pháp trừng phạt của Nga sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga ở biên giới Syria hồi cuối năm 2015.
Cuộc phiêu lưu của Tổng thống Erdogan đã bắt đầu khiến nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu lục đục. Không ít người trong giới quân sự Thổ Nhĩ Kỳ bất mãn với chính sách hung hăng của chính quyền Ankara hiện nay. Ismail Hakki Pekin, cựu Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiết lộ điều này với Sputnik.
Bên cạnh đó, về đối ngoại, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng làm cho các đồng minh rời xa.
Tổng thống Erdogan chỉ trích Mỹ, EU, Liên Hợp Quốc, Iran và Nga trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad và người Kurd Syria, một lực lượng bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là thù địch. Ông nói thêm: "Phương Tây, Mỹ, Nga, Iran, EU và LHQ không xứng đáng với sự coi trọng của nhân loại".
Việc Thổ Nhĩ Kỳ không kích lực lượng người Kurd ở Syria là điều Mỹ không thể chấp nhận được. Với Mỹ, đây là lực lượng họ dùng để diệt IS nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại cho là khủng bố, và thực chất là có thể gây nguy hại đến chính quyền và chức vụ của Tổng thống Erdogan.
Ngoài ra, hôm 24/2, tờ Huffington Post (Mỹ) có bài viết kêu gọi các nước NATO xem xét lại tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi dẫn ra nhiều bằng chứng nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã rời xa các đồng minh NATO tới mức cho phép mình hỗ trợ những kẻ khủng bố IS chống lại phương Tây. Tờ báo Mỹ kêu gọi các nước NATO phải can đảm quyết định liệu họ có còn cần tới một đồng minh như Thổ Nhĩ Kỳ của ông Erdogan nữa hay không.
Còn về phía Nga, từ mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Erdogan đã gây mâu thuẫn, bất đồng ngay sau vụ tiêm kích F-16 bắn chiến đấu cơ Su-24 của Nga. Sau đó là các chỉ đạo đối đầu công khai khi đưa bộ binh can thiệp quân sự ở Syria.
Mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ dưới tay ông Erdogan với Nga đã không thể còn trở lại như trước, là nguyên nhân chính kéo tụt kinh tế đất nước này đi xuống, khiến số người không ủng hộ Tổng thống đương nhiệm gia tăng
Dù tương lai của Tổng thống Syria Basha al-Assad còn chưa rõ có thể đi đến đâu, song rõ ràng ông Erdogan cũng phải chuẩn bị trước khả năng tương tự người đồng cấp láng giềng.
Theo Huy Vũ
Đất Việt