Tổng thống Duterte ngăn quốc hội điều tra việc vệ sĩ dùng vắc xin "lậu"
(Dân trí) - Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ngăn chặn các nỗ lực của Thượng viện nhằm điều tra vụ việc bằng cách nào mà nhóm vệ sĩ của ông được tiêm vắc xin Covid-19 chưa được nước này cấp phép.
Theo Telegraph, Tổng thống Duterte ngày 4/1 đã yêu cầu Thiếu tướng Jesus Durante, người đứng đầu đội an ninh của tổng thống (PSG), bỏ qua một lệnh triệu tập của các nghị sĩ yêu cầu giải thích về việc tiêm vắc xin bí mật.
"Tôi sẵn sàng bảo vệ các binh sĩ của mình. Tôi sẽ không cho phép họ bị ảnh hưởng trong các cuộc điều trần", ông Duterte nói trong một cuộc họp báo phát trên truyền hình tối ngày 4/1.
Các lực lượng vũ trang Philippines hôm nay cho biết họ sẽ ngừng nhiệm vụ tìm hiểu sự thật về vấn đề này.
Theo truyền thông địa phương, ông Duterte đã xác nhận hồi cuối tuần qua rằng người dân tại Philippines đã được tiêm vắc xin của hãng Sinopharm (Trung Quốc).
Thượng viện Philippines dự kiến tiến hành một cuộc điều tra về kế hoạch tiêm chủng vắc xin của chính phủ vào tuần tới, trong bối cảnh có những cáo buộc rằng các vắc xin chưa được cấp phép đã bị sử dụng trái phép.
Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) của Philippines cho tới nay chưa phê chuẩn một loại vắc xin Covid-19 nào, khiến việc nhập khẩu, phân phối và bán vắc xin Covid-19 ở nước này là bất hợp pháp. Cơ quan này cũng đã cảnh báo về các mối nguy hiểm tiềm tàng từ việc sử dụng vắc xin chưa được cấp phép.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của Tổng thống Duterte, Harry Roque, cho biết đội an ninh tổng thống không vi phạm luật.
Hồi tuần trước, Tướng Durante cho hay nhiều thành viên của nhóm an ninh tổng đã tiêm vắc xin bởi vì họ không thể chờ được đến khi vắc xin được cấp phép, nói thêm rằng Tổng thống chỉ được biết về việc này sau đó. Ông Durante không nêu tên loại vắc xin được sử dụng hay nó được mua thế nào.
Nhưng tranh cãi càng bùng phát khi Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque nói rằng cơ bộ này sẽ không chỉ điều tra bằng cách nào mà các vắc xin chưa được cấp phép được tiêm cho đội an ninh tổng thống, mà còn cho cả hàng nghìn lao động Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á.
FDA đang phối hợp với các nhà điều tra chính phủ và giới chức hải quan để điều tra việc đưa vào trái phép và sử dụng các vắc xin chưa cấp phép, Bộ trưởng Durante nói.
Lo ngại về các thị trường vắc xin chợ đen
Một lãnh đạo dân sự người Philippines gốc Trung Quốc trước đó đã tiết lộ khoảng 100.000 lao động Trung Quốc tại Philippines - hầu hết hoạt động trong lĩnh vực sòng bạc - đã được tiêm vắc xin Covid-19 vào tháng 12 năm ngoái.
Việc sử dụng các loại vắc xin chưa được cấp phép đã làm gia tăng những lo ngại toàn cầu về các thị trường vắc xin chợ đen đang hình thành. Các nhà chỉ trích tại Philippines đã nêu ra lo các lo ngại rằng việc tiêm chủng bí mật có thể cản trở việc giám sát các tác dụng phụ có thể xảy ra.
Các chương trình trình tiêm chủng đặc biệt nhạy cảm tại Philippines sau một tranh cãi gần đây về một chương trình tiêm chủng vội vàng nhằm ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết đã dẫn tới việc chương trình bị hủy bỏ và làm xói mòn lòng tin của công chúng.
Philippines có số ca Covid-19 nhiều thứ 2 tại Đông Nam Á. Nước này đặt mục tiêu mua ít nhất 80 triệu liều vắc xin từ các công ty dược lớn trên thế giới. Các thỏa thuận dự kiến diễn ra trong tháng này và việc vận chuyển vắc xin có thể diễn ra vào quý II năm 2021.