1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tổng thống Đông Timore sắp sang thăm Việt Nam

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Tổng thống Cộng hoà Dân chủ Đông Timore Kay Rala Xanana Gusmao sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 8- 10/8.

Gusmao, một cựu lãnh đạo phiến quân có tài thu hút dân chúng, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên của Đông Timore tháng 4/2002, và lên nắm quyền ngày 20/5/2002, sau khi nước này trở thành quốc gia độc lập.

 

Ông từng tuyên bố không muốn trở thành tổng thống, mà thích làm một nông dân hay một nhiếp ảnh gia hơn. Nhưng, trong số các ứng cử viên tổng thống khi đó, Gusmao là người tên tuổi và uy tín hơn cả.

 

Tên thật của ông là Jose Alexandre Gusmao. Ông sinh ngày 20/6/1946 trong một gia đình có 9 người con, ở một vùng tỉnh lẻ của Đông Timore có tên Lalea, Manatuto.

 

Gusmao theo học 4 năm tại trường dòng Tên ở Dare, rồi vào Trung học Dili. Sau 3 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự trong lực lượng của thực dân Bồ Đào Nha, ông làm việc trong một bộ của chính phủ đương thời.

 

Gusmao gia nhập Fretelin (Mặt trận Cách mạng vì độc lập của Đông Timor) năm 1974, một năm trước khi Indonesia xâm chiếm vùng đất này. Ông được chỉ định làm lãnh đạo Fretelin năm 1978 sau khi Nicolau Lobato qua đời. Tiếp đó, ông được bầu làm Tổng tư lệnh FALINTIL (Các lực lượng vũ trang quốc gia giải phóng Đông Timor) năm 1981. Những năm tiếp theo, ông phát triển chính sách Đoàn kết dân tộc, nhằm tập hợp dân chúng Đông Timor và đòi độc lập cho vùng lãnh thổ.

 

Ngày 20/11/1992, ông bị các lực lượng Indonesia bắt và đưa tới Jakarta, để rồi bị kết án chung thân (về sau được giảm án xuống còn 20 năm tù). Trong thời gian bị cầm tù, ông còn làm thơ và vẽ tranh. Nhờ vậy, Gusmao có biệt danh “nhà thơ chiến sĩ”. Điều này càng tô đậm thêm sự huyền bí vốn đã gắn liền với Gusmao từ khi ông còn lãnh đạo lực lượng du kích chống quân đội Indodesia ở trong rừng rậm (Chẳng hạn người ta đồn đại ông có thể biến thành một sinh vật để lẩn trốn).

 

Thời kỳ Gusmao bị giam cầm, nhiều lãnh đạo thế giới yêu cầu được gặp ông khi tới thăm Jakarta. Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela từng trò chuyện với Gusmao trong 2 giờ đồng hồ hồi tháng 7/1997. Đây là chuyến viếng thăm lịch sử, vì nó làm thế giới chú ý đến tình hình Đông Timor.

 

Hồi tháng 1/1999, từ nhà tù, Gusmao được chuyển sang chịu quản thúc tại gia ở Jakarta. Chính phủ Indonesia thả tự do cho ông ngày 7/9/1999, ít ngày trước khi kết quả trưng cầu dân ý về nền độc lập của Đông Timor được công bố. Tiếp đó là làn sóng bạo lực đẫm máu do những kẻ phản đối độc lập tiến hành.

 

Tuy nhiên, với chủ trương đoàn kết dân tộc, về sau Gusmao ủng hộ ân xá những dân quân đã gây ra cảnh nồi da xáo thịt. Điều này càng làm hằn sâu mâu thuẫn với đảng chính trị trước đây của ông - Frelitin - vốn kiểm soát cơ quan lập pháp Đông Timor từ tháng 8/2001. Gusmao từng chỉ trích kín đáo là một số thành viên trong chính phủ đang sống một cách xa hoa, trong khi dân chúng lại không được hưởng một nền giáo dục và y tế sơ đẳng. Frelitin còn bất mãn, vì Gusmao ra ứng cử chức tổng thống với tư cách độc lập chứ không chịu đại diện cho đảng.

 

Theo T.G.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm