1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Donald Trump trong – ngoài phải đối phó

Vừa giành chiến thắng, chưa kịp hình thành bộ sậu chuyển tiếp, tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã gặp phải một số vấn đề phải đối phó. Từ chuyện nội bộ không đoàn kết cho đến vấn đề kinh doanh của gia đình đều đang được báo chí “soi” kỹ. Bên cạnh đó, dư luận còn vang lên những lời bàn tán rằng Trump sẽ khó giữ lời hứa đã đưa ra trước cử tri trong lúc tranh cử.

Nội bộ đối chọi nhau

Báo chí đã dùng từ “đấu đá gay gắt” để mô tả tình trạng đối chọi nhau giữa các phe phái trong nội bộ các phụ tá của Trump. Tình trạng này đã tồn tại từ lúc tranh cử giai đoạn sơ bộ cho đến nay và hiện đang trở thành vấn đề gây lủng củng nội bộ.

Báo chí Mỹ cho biết, sự mất đoàn kết nội bộ là một trong những nguyên nhân dẫn đến quyết định thay đổi nhân sự của ông Trump hôm 11-11. Cụ thể, ông Trump đã thay người đứng đầu ban chuyển tiếp Chris Christie bởi Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence.

Nguồn tin từ bộ sậu Trump cho biết, nguyên nhân chính xuất phát từ việc phe nhóm của Christie đã có sự đụng chạm với các phe nhóm khác, trong đó có phe nhóm của con rể ông Trump, Jared Kushner. Những xung đột nội bộ đó đã dẫn đến những hậu quả làm ảnh hưởng đến tiến trình xây dựng chính phủ mới của ông Trump, vốn chưa từng nắm giữ chức vụ chính quyền, càng không có kinh nghiệm trong lãnh đạo chính trị.

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.

Chuyện phe nhóm đối nghịch nhau trong nội bộ phụ tá của ông Trump vốn xảy ra rất thường xuyên, là chuyện các cố vấn của ông đấu đá nhau để đưa các đồng minh thân thiết của mình vào các vị trí chủ chốt để từ đó thúc đẩy các chính sách ưu tiên của mình. Trong giai đoạn tranh cử sơ bộ, xung đột nội bộ trong ban vận động của Trump đã đạt đến mức đôi lúc các quyết định của ông đưa ra theo hướng mâu thuẫn nhau.

Những người chứng kiến các cuộc đấu đá đó cho biết, trong giai đoạn hiện tại, những màn đấu đá tương tự lại xuất hiện khi các phe nhóm bắt đầu tranh nhau những vị trí chủ chốt, quan trọng trong chính quyền mới của ông Trump. Và họ lo ngại sự tái xuất hiện những màn đấu đá kiểu đó có thể làm cho việc nắm quyền của ông Trump bị tê liệt ngay trước khi bắt đầu, bởi việc hình thành một chính quyền để điều hành đất nước cần sử dụng hàng ngàn người và đòi hỏi những quyết định, mệnh lệnh quan trọng hơn rất nhiều so với chiến dịch tranh cử.

Trên thực tế, một số xung đột nội bộ có nguồn gốc từ mối quan hệ căng thẳng giữa những người trung thành ban đầu của ông Trump với thành phần cố cựu trong đảng Cộng hòa. Cho đến nay vẫn còn sự ghen ghét giữa các đồng minh của Corey Lewandowski - quản lý chiến dịch giai đoạn đầu của Trump và hiện đang được xem là ứng viên hàng đầu chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) - với các đồng minh của Reince Priebus, chủ tịch đương nhiệm của RNC, người vừa được ông Trump bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Nhà Trắng.

Priebus từng đấu đá kịch liệt với Lewandowski và có vai trò đáng kể trong việc Lewandowski bị sa thải hồi tháng 6-2016. Chính vì thế, việc Priebus được nhắm đến cho vị trí Chánh Văn phòng Nhà Trắng đã làm cho các đồng minh của Lewandowski tức giận.

Trong việc ông Trump đưa Pence lên thay thế Christie, người ta thấy có sự tác động từ nhóm bảo thủ trong ban chuyển tiếp ở Washington. Đây là nhóm bao gồm những người từ Tổ chức Di sản (Heritage Foundation) và cả chính quyền. Nhóm này xem Chris Christie và các đồng minh của ông là những người trung dung có sự hậu thuẫn từ các doanh nghiệp lớn, là người chưa đủ bảo thủ như họ nên họ không muốn ông tiếp tục dẫn dắt ban chuyển tiếp.

Do ảnh hưởng của nhóm bảo thủ, cộng với một số quan điểm cá nhân liên quan đến thuế và một số vấn đề khác khiến cho dư luận đánh giá Pence là một nhân vật bảo thủ thật sự.

Ngoài hai phe nhóm nêu trên còn có một số xung đột mới xuất hiện, như xung đột giữa phe nhóm thân tín của Trump ở New York - những kẻ từng tham gia chiến dịch vận động giúp ông Trump tranh cử thành công - với đội ngũ phụ tá trong ban chuyển tiếp ở Washington đã âm thầm giúp ông định hình chính quyền mới ngay từ khi ông chưa giành chiến thắng.

Reince Priebus và Stephen Bannon, hai nhân vật đầu tiên được Trump bổ nhiệm trong chính quyền mới.
Reince Priebus và Stephen Bannon, hai nhân vật đầu tiên được Trump bổ nhiệm trong chính quyền mới.

Một số thành viên ở Washington phàn nàn rằng công việc hệ trọng của họ không được nhóm ở New York quan tâm đúng mức, và chỉ đến khi ông Trump giành chiến thắng thì mới ào ào đòi được tham gia chính quyền. Trong khi đó, các quan chức chiến dịch ở New York lại không thừa nhận nhóm chuyển tiếp ở Washington, xem họ như những “con sâu” bàn giấy, không có ích lợi gì cho ông Trump.

Nhóm thứ ba trong ban chuyển tiếp có quan điểm ủng hộ Thượng nghị sĩ Jeff Sessions, bang Alabama, người ủng hộ Trump giai đoạn đầu. Những đồng minh ủng hộ ông này trong ban chuyển tiếp là những người phụ trách việc tiếp xúc với quốc hội và chính sách di dân.

Nguy cơ xung đột lợi ích

Ngày 11-11, ông Trump quyết định bổ nhiệm 2 vị trí đầu tiên trong chính quyền mới do ông lãnh đạo. Thứ nhất là Chánh Văn phòng Nhà Trắng được trao cho Reince Priebus, Chủ tịch RNC. Vị trí thứ hai được trao cho Chủ tịch Chiến dịch tranh cử của ông Trump. Nếu việc bổ nhiệm Priebus không ai ý kiến gì nhiều thì vị trí của Bannon đang có nhiều điều tiếng.

Trong thông báo bổ nhiệm ngày 11-11, không ai thấy ông Trump nêu chức danh, vị trí chính thức của Bannon là gì cả, và có người dự đoán rằng đó có thể sẽ là vị trí cố vấn cao cấp, bởi đây cũng là vị trí Bannon nắm giữ trong giai đoạn tranh cử, ông cũng là chiến lược gia trưởng của ông Trump.

Ngoài ra, nhiều người còn băn khoăn về tư cách đạo đức của Bannon bởi ông từng có tai tiếng về bạo lực gia đình trong quá khứ (năm 2007) với người vợ cũ, và đã từng bị Liên đoàn Chống xâm phạm danh dự (ADL) tố cáo là bài Do Thái khi ông còn làm Giám đốc điều hành tạp chí Breitbart News.

Theo những người am hiểu “hậu cứ” Trump, căn cứ quyền lực bảo thủ lớn nhất đứng sau lưng ông có lẽ là chính gia đình ông. Những người con đã trưởng thành của ông (Trump còn có một cậu con trai út 10 tuổi đang sống cùng ông và bà vợ trẻ ở Tháp Trump), đặc biệt là con rể Jared Kushner có quyền lực “vô đối” đối với tổng thống đắc cử và không ngần ngại sử dụng quyền lực đó để tác động vào công tác nhân sự của ông.

Rich Bagger, cấp phó của ông Christie trước khi bị phế truất, đã từng có va chạm với Kushner, đã đưa ra nhận định rằng, “đó là cuộc chiến bạn không thể thắng”. Cuộc đụng độ giữa “băng” Christie với “băng” Kushner xuất phát từ việc nhóm của Christie đến từ bang New Jersey luôn nghĩ rằng họ là những kẻ “cầm trịch” cuộc chơi ở Washington, trong khi Kushner phản pháo rằng “Các ông không phải là kẻ cầm trịch đích thực”.

Nhóm Christie “vạch thẹo” cho rằng cha của Kushner từng bị kết tội, tuyên án vì trốn thuế, quyên góp tài chính tranh cử không hợp pháp và bức hiếp nhân chứng trong thời gian ông ta làm Thẩm phán liên bang.

Khi Trump chuẩn bị bước vào Nhà Trắng vào đầu năm 2017, một vấn đề khiến nhiều người băn khoăn là chuyện “xung đột lợi ích” khi đế chế kinh doanh khá lớn của ông vẫn nằm trong tay ông và gia đình ông. Trump và người vợ trẻ, bà Melania của cậu con trai 10 tuổi tên Barron hiện đang sống trong tòa tháp Trump Tower trị giá 100 triệu USD ở khu Manhattan, New York.

Báo chí thậm chí còn đưa thông tin tổng tài sản của Trump hiện tại còn lớn hơn tổng tài sản của 44 đời tổng thống trước ông cộng lại. Với khối tài sản khổng lồ đó, hôm 14-11, Trump đã tuyên bố sẽ chỉ lĩnh lương 1 USD/năm.

Dư luận băn khoăn, tuy có khối tài sản lớn như thế, nhưng liệu ông Trump có tránh khỏi có “chút riêng tư” khi đưa ra các quyết định, quyết sách điều hành quốc gia, đặc biệt là các quyết sách về kinh tế.

Người dân Mỹ rầm rộ xuống đường biểu tình phản đối Trump.
Người dân Mỹ rầm rộ xuống đường biểu tình phản đối Trump.

Tờ The Guardian của Anh hôm 12-11 đưa ra nhận định, nguy cơ xung đột lợi ích từ việc người thân ông Trump đang nắm giữ quyền điều hành hoạt động kinh doanh của gia đình, đồng thời tham gia vào ban chuyển tiếp chuẩn bị cho ông chính thức lên nắm quyền đang khiến cho tương lai Nhà Trắng trở nên bấp bênh.

Theo tờ báo này, con trai lớn của ông, Donald Trump Jr hiện đang nắm quyền điều hành hệ thống kinh doanh của gia đình Trump bao gồm các công ty bất động sản, các nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi... bủa khắp nước Mỹ. Còn Eric và Ivanka Trump thì nằm trong đội ngũ ban chuyển tiếp của tổng thống đắc cử.

Người vợ trẻ Melania của ông Trump hiện đang điều hành một dòng trang sức riêng của mình. Một đại gia đình vừa kinh doanh vừa làm chính trị dưới sự điều hành của ông Trump, vốn được xem là người có tính khí bất thường, phát ngôn bạo miệng và đưa ra những quyết định trái khoáy, bảo sao dư luận không lo lắng cho tương lai của Nhà Trắng?

Chưa hết, trong báo cáo tài chính của mình, ông Trump còn thể hiện ông có cổ phần trong một số thực thể kinh doanh ở nước ngoài, trong đó có Công ty Excel Venture LLC ở quần đảo West Indies thuộc Pháp, Caribusiness Investments SRL ở Cộng hòa Dominica... Người ta lo ngại việc các công ty đó có thể tác động thế nào đến các chính sách của nước Mỹ trong tương lai hay không.

Rồi Trump và các con ông đã từ chối yêu cầu của các cơ quan chức năng kinh tế của Mỹ, như Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) chuyển các doanh nghiệp của mình thành các đơn vị “ủy thác mù” (blind trust), tức là các đơn vị hoạt động kinh doanh dưới sự điều hành của người khác được chủ doanh nghiệp ủy thác nhưng không công bố kết quả kinh doanh cho người chủ nắm.

Hình thức này đã từng được các đời Tổng thống Mỹ trước đây thực hiện nhằm tránh “xung đột lợi ích”. Động thái này đang khiến cho quá trình chuyển tiếp, chuẩn bị nhậm chức của ông Trump gặp một số khó khăn từ phía các cơ quan quản lý kinh tế.

Trong khi những vấn đề mang tính nội bộ, riêng tư còn chưa giải quyết xong, Tổng thống đắc cử Mỹ Trump còn đối mặt sự phản đối lan rộng khắp nước Mỹ. Hàng trăm ngàn người chống Trump đã xuống đường biểu tình tại các thành phố lớn, từ Los Angeles, bang California, cho đến Boston, bang Massachusetts, đến Philadelphia, bang Pennsylvania.

Tính đến ngày 15-11, các cuộc biểu tình đã bước sang ngày thứ 6. Những người biểu tình giương biểu ngữ phản đối ông Trump vì những tuyên bố của ông về các chính sách đối với người nhập cư, về chính sách kỳ thị chủng tộc, tôn giáo (bài Do Thái, chống đạo Hồi) và cả những lời hứa của ông đối với những vấn đề về kinh tế, về chính sách y tế, giáo dục...

Trước làn sóng biểu tình phản đối như thế, ông Trump cũng tỏ ra “nao núng”, đổi giọng nhẹ nhàng hơn đối với vụ email cá nhân của bà Clinton (thay vì dọa truy tố bà như khi tranh cử), đối với Luật Bảo hiểm y tế Obamacare, nhưng vẫn giữ quan điểm “trục xuất người di cư”, mà mới nhất là ông khẳng định hôm 12-11 là sẽ quyết định trục xuất khoảng 3 triệu người nhập cư bất hợp pháp ngay sau khi lên nhậm chức.

Những sự dao động này khiến cho giới phân tích nhận định, tương lai nước Mỹ của Donald Trump sẽ gặp nhiều vấn đề khi các quyết sách ông đưa ra không ổn định, thiếu nhất quán.

Theo An Châu (tổng hợp)

An ninh thế giới