1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thống đắc cử Htin Kyaw: Từ người vô danh đến nguyên thủ Myanmar

(Dân trí) - Từ một người vô danh khi xuất hiện bên bà Aung San Suu Kyi lúc bà được trả tự do, ông Htin Kyaw đã được lựa chọn để trở thành tổng thống dân sự đầu tiên của Myanmar sau hơn 50 năm.

Ông Htin Kyaw và bà Suu Kyi sau khi nhà lãnh đạo dân chủ được trả tự do hồi năm 2010. (Ảnh: AFP)
Ông Htin Kyaw và bà Suu Kyi sau khi nhà lãnh đạo dân chủ được trả tự do hồi năm 2010. (Ảnh: AFP)

Tháng 11/2010, chỉ vài ngày sau khi giới chức quân đội cầm quyền ở Myanmar tổ chức tổng tuyển cử, bà Aung San Suu Kyi đã được trả tự do và có bài phát biểu trước đám đông.

Trong khi bà Aung San Suu Kyi phát biểu, có một người đàn ông mặc đồ trắng đứng bên phải bà. Những tấm hình hôm đó cho thấy bà Aung San Suu Kyi luôn ghé vào tai người đàn ông này để thảo luận về các vấn đề. Khi đó, chắc không ít nhiếp ảnh gia muốn người đàn ông đứng với bà Aung San Suu Kyi lui ra để họ có thể có được một tấm hình chân dung của nhà lãnh đạo dân chủ này. Tuy nhiên, hơn 5 năm sau, ít ai ngờ được rằng người đàn ông vô danh ngày nào đứng cạnh bà Aung San Suu Kyi, người cố vấn tên Htin Kyaw, đã trở thành vị Tổng thống dân sự đầu tiên của Myanmar kể từ thập niên 1960.

Sau chiến thắng vang dội của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) trong cuộc tuyển tổng cử vừa qua tại Myanmar, đã có nhiều đồn đoán về vị trí lãnh đạo đất nước thay cho bà Suu Kyi, người không thể trở thành tổng thống do con bà mang quốc tịch Anh. Hôm thứ Ba vừa qua, với sự ủng hộ của các nghị sỹ của NLD trong Quốc hội, ông Htin Kyaw giành được 360 trên tổng số 652 phiếu và đã trở thành Tổng thống đắc cử của Myanmar.

Thành viên trung thành của NLD

(Ảnh: AFP)
(Ảnh: AFP)

Bà Suu Kyi từng tuyên bố sẽ "theo sát" Tổng thống đắc cử của Myanmar trong mọi vấn đề. Có thể nói bà đánh giá rất cao sự trung thành của ông Htin Kyaw. Tuy vậy, hiện chưa rõ liệu bà Suu Kyi có đảm nhận bất cứ vị trí nào trong chính quyền mới hay sẽ "chỉ đạo công việc từ hậu trường".

Trước đây, ít người biết tới vai trò của ông Htin Kyaw. Ông không nằm trong danh sách các ứng cử viên của NLD trong chiến dịch tranh cử và ông cũng chưa từng có bài phát biểu nào trước dư luận trong nước. Tuy nhiên, không lâu sau khi trở thành Tổng thống đắc cử của Myanmar, nhiều người dân nước này đã bày tỏ sự tôn trọng với ông Htin Kyaw khi gọi ông là "Tổng thống của chúng tôi".

Sử gia Thant Myint-U, cháu trai của cố Tổng thư ký Liên hợp quốc U-Thant, đã gọi ông Htin Kyaw là "một sự lựa chọn được tôn trọng với quan điểm rõ ràng và là một người đàn ông thân thiện".

Trong khi đó, cư dân mạng Myanmar bày tỏ sự không hài lòng với truyền thông quốc tế khi gọi ông Htin Kyaw là "tài xế riêng" của bà Suu Kyi. Dù có đôi lần lái xe cho bà Suu Kyi, song một quan chức của NLD đã khẳng định rằng đây không phải là công việc chính thức của ông.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh rằng đóng góp của ông Htin Kyaw cho nền dân chủ Myanmar còn nhiều hơn thế. Trên thực tế, cha của ông Htin Kyaw, ông Min Thu Wun là một nhà thơ nổi tiếng ở Myanmar. Đây là một yếu tố khá quan trọng tại quốc gia nơi đánh giá cao yếu tố dòng dõi gia đình. Ví dụ như bà Suu Kyi được tôn vinh từ lâu vì bà là con gái của người anh hùng có công giải phóng đất nước, Tướng Aung San.

Tiểu sử toàn diện chính thức về vị Tổng thống đắc cử của Myanmar vẫn chưa được công bố, nhưng theo một số nguồn tin, ông Htin Kyaw từng là bạn học của bà Suu Kyi tại trường trung học Methodist ở thành phố Yangon. Ông có bằng cử nhân kinh tế trước khi theo học ngành khoa học vi tính tại Đại học London.

Sau đó, ông Htin Kyaw về nước làm việc cho chính phủ từ giai đoạn những năm 1970. Ông đã đảm nhận các chức vụ ở Bộ Công nghiệp và Ngoại giao trước khi từ chức vào năm 1992, hai năm sau khi chính quyền quân sự từ chối công nhận kết quả chiến thắng của NLD trong một cuộc bầu cử. Bên cạnh đó, ông Htin Kyaw cũng xây dựng được danh tiếng cho mình với tư cách một đồng minh thân cận của bà Suu Kyi và qua công việc điều hành quỹ từ thiện Daw Khin Kyi.

Trong những năm tháng bà Suu Kyi bị quản thúc, ông Htin Kyaw được cho là cầu nối giữa bà và thế giới bên ngoài. Hồi năm 2000, trong thời điểm bà Suu Kyi có cơ hội để được ra ngoài, ông Htin Kyaw đã tham gia cùng bà tới thăm thành phố Mandalay ở miền Trung Myanmar. Tuy nhiên, lực lượng an ninh Myanmar đã tìm cách ngăn cản kế hoạch đi thăm này. Theo BBC, ông Htin Kyaw đã bị bắt giữ sau khi va chạm với một sĩ quan quân đội ở ga tàu điện và bị giam giữ 4 tháng ở nhà tù Insein, trong khi bà Suu Kyi không tới được thành phố Mandalay và phải trở về ngôi nhà nơi bà bị quản thúc.

"Điều tôi nhận ra là ông ấy không phân biệt đối xử giữa người giàu và người nghèo. Ông ấy không quan tâm tới những nhân vật có quyền lực. Ông ấy đối xử công bằng và tôn trọng với tất cả mọi người", ông Thein Swe, một nghị sĩ của NLD tại Quốc hội, nhận xét.

Thách thức chờ đợi nhà lãnh đạo mới của Myanmar

Ông Htin Kyaw (trái) và bà Suu Kyi. (Ảnh: AP)
Ông Htin Kyaw (trái) và bà Suu Kyi. (Ảnh: AP)

Khi ông U Htin Kyaw tham gia lễ tuyên thệ để đảm nhận vị trí mới vào ngày 30/3 tới, ông sẽ phải chia sẻ quyền lực với bà Aung San Suu Kyi, dù không chính thức. Với nhiều nhà phân tích, thực tế này có thể gây ra những nguy cơ. Kinh nghiệm từ các nước như Thái Lan và Ấn Độ đã chỉ ra rằng việc quản lý một mối quan hệ như vậy có thể sẽ rất khó khăn. Một vị tổng thống “ủy quyền" sẽ mang tới những vấn đề về chính trị hoặc một quan điểm độc lập cũng có thể tạo ra một vòng tròn quyền lực cạnh tranh khác.

Bên cạnh đó, ông Htin Kyaw cũng sẽ phải chia sẻ quyền lực với quân đội. Hiến pháp Myanmar quy định rõ ràng về vai trò của quân đội Myanmar trong bức tranh quyền lực ở nước này. Với việc có 25% trong tổng số ghế ở quốc hội, nắm giữ 3 vị trí quan trọng trong nội các và việc kiểm soát Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia, quân đội Myanmar sẽ có tiếng nói trong nhiều vấn đề. Do vậy, các nhà phân tích cho rằng một sự ủng hộ từ quân đội sẽ đóng vai trò thiết yếu để chính phủ mới của Myanmar hoạt động suôn sẻ.

Trong khi ông Htin Kyaw tới tham dự phiên bỏ phiếu tại Quốc hội cùng với bà Aung San Suu Kyi và phát biểu rất hạn chế trước khi rời đi, quân đội Myanmar lại đưa ra một thông điệp rõ ràng cho nhà lãnh đạo tương lai của nước này. Chuẩn tướng Tint San Naing cho biết, ông tin rằng Tổng thống đắc cử Htin Kyaw sẽ đủ sức dẫn dắt đất nước, đồng thời cảnh báo không ai có quyền "đứng cao" hơn Tổng thống.

Ngọc Anh

Tổng hợp