Tổng thống 93 tuổi bị quân đội Zimbabwe quản thúc là ai?
(Dân trí) - Robert Mugabe, người đã lãnh đạo Zimbabwe suốt 37 năm kể từ khi quốc gia châu Phi giành được độc lập từ Anh, là một chính trị gia gây nhiều tranh cãi. Một mặt, ông được coi là anh hùng giải phóng dân tộc, mặt khác ông lại bị cho là người khiến Zimbabwe lún sâu vào khủng hoảng.
Ngày 15/11, quân đội Zimbabwe tuyên bố đang quản thúc Tổng thống Robert Mugabe, giành quyển kiểm soát đất nước trong một cuộc chuyển giao quyền lực “không đổ máu”. Đại diện quân đội nước này cho biết họ hành động như vậy nhằm hạ bệ những người thân cận với Tổng thống Mugabe, những người bị cáo buộc gây tổn hại cho xã hội và nền kinh tế. Họ hy vọng tình hình sẽ trở lại bình thường sau khi quân đội hoàn thành nhiệm vụ.
Bản thân Tổng thống Mugabe cũng là một nhân vật chính trị gây tranh cãi khi ông vừa được cho là có công trong phong trào độc lập Zimbabwe, mặt khác được cho là đã khiến kinh tế quốc gia châu Phi lâm vào khủng hoảng trầm trọng.
Anh hùng độc lập
Robert Gabriel Mugabe sinh năm 1924 tại Zimbabwe. Trước khi tham gia vào con đường chính trị năm 1960, ông từng là giáo viên trung học tại Zambia và Ghana. Sau khi trở thành một nhà hoạt động, ông tham gia đảng Mặt trận Yêu nước thống nhất quốc gia châu Phi Zimbabwe (Zanu-PF).
Ông từng bị bắt giam bởi chính phủ cầm quyền thời điểm đó và bị kết án tạm giữ chính trị vào năm 1964. Đến năm 1974, ông trốn thoát qua Mozambique, trước khi quay trở lại lãnh đạo phong trào độc lập ở Zimbabwe năm 1979.
Vào năm 1980, cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đã đồng ý trao trả quyền độc lập cho Zimbabwe. Ông Mugabe đã trở thành Thủ tướng nước châu Phi này từ năm 1980 tới năm 1987 và sau đó giữ chức Tổng thống cho tới thời điểm này.
Tại thời điểm những năm 1980, ông Mugabe được coi là biểu tượng anh hùng giải phóng dân tộc, người dám đứng lên đòi hỏi quyền lợi cho người da màu. Tuy nhiên, sau thời điểm giành độc lập, ông Mugabe được cho là nhà lãnh đạo không có quá nhiều hiểu biết về các mô hình hoạt động của kinh tế. Ông cho rằng những vấn đề của nền kinh tế Zimbabwe là do các thế lực phương Tây tác động nhằm hạ bệ ông.
Người khiến Zimbabwe lâm vào khủng hoảng?
Theo BBC, những người chỉ trích ông cho rằng ông còn là người luôn ban hành những sách lược nhằm giữ vị thế lãnh đạo của mình, thay vì giúp nền kinh tế vận hành và phát triển.
Bước ngoặt dẫn đến sai lầm trầm trọng của ông Mugabe được cho là xảy ra vào năm 2000 khi ông ban hành chính sách nhằm đẩy nhanh việc tiếp quản đất của người da trắng gốc Anh trong ngành nông nghiệp, ngành xương sống của nền kinh tế Zimbabwe lúc bấy giờ. Phần lớn đất đai bị tịch thu bàn giao cho người nông dân da màu không có kinh nghiệm canh tác, trồng trọt, và được cho là có quan hệ với đảng Zanu-PF.
Năm 2000 cũng đánh dấu lần đầu tiên ông thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý. Điều này dường như buộc ông Mugabe phải sử dụng lực lượng quân đội nhằm gìn giữ quyền lực của mình và đảng cầm quyền.
Đến năm 2008, nền kinh tế Zimbabwe lâm vào khủng hoảng trầm trọng với đồng nội tệ mất giá, dẫn tới tình trạng siêu lạm phát tồi tệ, với mức đỉnh đạt tới 500 tỷ %, theo số liệu của quỹ tiền tệ quốc tế IMF. Hình ảnh người dân Zimbabwe chở các xe tiền đi mua bánh mì đã không còn quá xa lạ với truyền thông thế giới. Quốc gia này đã buộc phải loại bỏ đồng nội tệ mất giá trị và “đô-la hóa" nền kinh tế. Cuối năm trước, họ đã phát hành chi phiếu mới thay thế đồng nội tệ.
Tuy nhiên, chính phủ của ông Mugabe vẫn không thể bị lật đổ, do các thành viên thuộc đảng Zanu-PF cầm quyền nắm quyền quản lý hầu hết các lực lượng an ninh, truyền thông, dịch vụ dân sinh.
Mặc dù vậy, ông Mugabe đã thua trong vòng đầu tiên cuộc bỏ phiếu năm đó và kịch bản tương tự như năm 2000 lại xảy ra một lần nữa ở Zimbabwe.
Sau 37 năm độc lập ngoài nền kinh tế lâm vào trì trệ, tình trạng xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân Zimbabwe cũng đạt đến mức báo động. Tuy vậy, một trong những điểm sáng trong gần 40 năm lãnh đạo của ông Mugabe là thành tựu về giáo dục khi ông góp phần nâng cao dân trí tại quốc gia châu Phi với tỉ lệ biết chữ xếp vào hàng cao nhất lục địa đen, lên tới 90%.
Tuy nhiên, nhà khoa học chính trị quá cố Masipula Sithole nhận định rằng thành tựu của ông Mugabe cũng góp phần tự “đẩy mình vào thế khó”. Những công dân Zimbabwe trẻ tuổi với với kiến thức đầy đủ có thể phần nào hiểu được các vấn đề mà đất nước đang gặp phải. Họ bắt đầu lên tiếng chỉ trích chính phủ, cho rằng chính sách quản lý yếu kém là nguyên nhân dẫn tới nạn thất nghiệp và tình trạng lạm phát của nền kinh tế.
Cuộc hôn nhân thứ 2 và “vòng tròn quyền lực” ở Zimbabwe
Tổng thống Zimbabwe cùng người vợ 2, Grace Mugabe (Ảnh: AFP)
Ông Mugabe có 2 người vợ. Người vợ đầu người Ghana của ông, Sally Mugabe, đã qua đời vì bệnh ung thư. Ông đã cưới người vợ thứ 2, Grace Mugabe, kém ông 40 tuổi. Bà Mugabe đã nhanh chóng tham gia vào "vòng tròn quyền lực" của chồng khi bà từ vị trí thư ký trở thành Phó Tổng thống.
Thậm chí ở thời điểm trước khi quân đội can thiệp vào, bà dường như là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí Tổng thống kế nhiệm chồng khi đối thủ chính của bà, Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa bị sa thải hồi tháng 11. BBC đánh giá đây dường như là 1 trong những nguyên nhân khiến quân đội nước này quyết định giành quyền quyền kiểm soát đất nước.
Trước thời điểm biến cố xảy ra, chồng bà đã 93 tuổi và sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, bà Mugabe được cho là người hỗ trợ chồng trong công cuộc quản lý đất nước. Bà đồng thời cũng là người ủng hộ trung thành của ông Mugabe. Hồi đầu năm nay, bà cho rằng chồng mình thậm chí có thể thắng cử ngay cả khi ông qua đời. Bà cũng không giấu giếm tham vọng muốn thay chồng quản lý quốc gia châu Phi này.
Đức Hoàng
Tổng hợp