"Tôi thật sự hối hận": Lời nói muộn màng của những người từ chối vắc xin
(Dân trí) - Những người từng từ chối tiêm vắc xin hoặc chỉ đơn giản là do chờ đợi quá lâu hiện đang phải vật lộn với hậu quả đáng sợ khi mắc Covid-19.
Khi phải tiếp tục ở lại phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) để chăm người chồng Russ Greene bị nhiễm Covid-19 nặng, cô Mindy Greene, 42 tuổi, ngồi bần thần, bắt đầu mở điện thoại và bấm nhắn tin.
Cô đăng dòng trạng thái trên Facebook: "Chúng tôi đã không tiêm vắc xin. Tôi đã đọc tất cả những câu chuyện không hay về vắc xin và nó khiến tôi sợ hãi. Vì vậy, tôi đã quyết định không tiêm vắc xin và nghĩ rồi chúng tôi sẽ ổn".
Nhưng họ không ổn chút nào.
Chồng cô, cha của 4 đứa con của họ, giờ đang lơ lửng giữa sự sống và cái chết. Anh nằm trong phòng ICU, dây ống quanh người. Bệnh nhân ở phòng bên cạnh chồng cô đã tử vong trước đó nhiều giờ. Hôm đó, ngày 13/7, cô Greene quyết định lên tiếng trong một nhóm gồm người chủ trương không tiêm vắc xin. "Tôi thật sự hối hận. Nếu nghĩ đến kết cục như ngày hôm nay, chúng tôi đã đi tiêm vắc xin", cô viết và nhắn gửi vào nhóm.
Trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 bùng phát trở lại do biến chủng Delta với số ca nhiễm nặng và tử vong tăng lên, một số người từng từ chối vắc xin hoặc chỉ đơn giản là chờ đợi quá lâu hiện đang phải vật lộn với hậu quả đáng sợ.
Một số người thân của các bệnh nhân điều trị ở ICU, đã qua đời liên tục nói về sự hối hận của họ, về nỗi đau khi phải thấy cảnh virus hành hạ những người thân yêu của họ vì đã không tiêm vắc xin.
"Tôi có cảm giác tội lỗi lạ thường", cô Greene nói vào một buổi sáng khi ngồi trong sảnh tầng 4 bên ngoài khu ICU của Bệnh viện Utah Valley ở Provo, bang Utah. Cô cho biết, mỗi ngày vẫn tự trách bản thân.
Làn sóng nhiễm bệnh và nhập viện gia tăng gần đây ở những người chưa tiêm vắc xin đã làm nổi bật thực tế nghiệt ngã, đại dịch vẫn còn đó và có nguy cơ tàn phá hơn nữa.
Số ca nhập viện vì Covid-19 ở bang Utah đã tăng 35% trong 2 tuần qua. Tiến sĩ Matthew Sperry, một chuyên gia về phổi đang điều trị cho anh Greene, cho biết các khu ICU trên toàn hệ thống 24 bệnh viện nơi ông làm việc đã đầy 98%.
Những sứ giả y tế công cộng
Ở những khu vực có tỷ lệ tiêm vắc xin quá thấp, một số bệnh viện quá tải bệnh nhân bắt đầu tuyển dụng những người khỏi bệnh làm sứ giả y tế công cộng.
Hy vọng rằng, những sứ giả này, cũng từng hoài nghi vắc xin và nay đã hối hận, có thể thuyết phục những người bác bỏ các chiến dịch tiêm chủng mà Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực thúc đẩy.
Câu chuyện của họ là những chia sẻ thẳng thắn và đáng sợ về một đại dịch có nguy cơ bùng phát mạnh bởi thông tin sai lệch về vắc xin, nỗi sợ hãi và sự chia rẽ đảng phái về việc có nên tiêm vắc xin hay không.
Rebecca Weintraub, một trợ lý giáo sư về y học xã hội và sức khỏe toàn cầu tại Trường Y Harvard, cho biết mọi người đang tạo ra truyền đi thông điệp từ giường bệnh của họ, từ các phòng khám: "Tôi đã không bảo vệ gia đình của chính mình. Hãy để tôi giúp bạn bảo vệ bạn".
Ở Springfield, bang Missouri, nơi các ca nhiễm tăng đột biến vào mùa hè năm nay, Russell Taylor ngồi ở giường bệnh với ống thở oxy phủ trên mặt, để đưa ra lời chứng thực về vắc xin trong một thông điệp video của bệnh viện: "Tôi không hiểu vì sao mình lại không tiêm vắc xin lúc đó", anh nói.
Trên truyền hình địa phương, một người đàn ông Texas, đã phải cấy ghép hai lá phổi do bị virus gây Covid-19 phá hủy hoàn toàn, đã kêu gọi những người khác nên đi tiêm phòng.
Bằng một giọng nói run rẩy, một quản lý bệnh viện-phòng khám ở vùng nông thôn Utah đã mô tả việc cô đã phải chịu đựng chứng viêm phổi và nhiễm trùng huyết kinh hoàng như thế nào sau khi bị nhiễm bệnh và chưa tiêm vắc xin. Người phụ nữ có tên Stormy, cho biết cô đã mất hàng tuần mới có đủ can đảm để lên tiếng trong một đoạn video do sở y tế địa phương đăng tải.
Và cô quyết định sử dụng tên thật vì lo những người từ chối tiêm vắc xin sẽ nghĩ câu chuyện này là không có thật.
Nhưng câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu những câu chuyện như vậy có giúp thức tỉnh những người vẫn kiên quyết không chịu tiêm vắc xin hay không.
Một số người nhập viện vì virus vẫn nói sẽ không tiêm vắc xin. Các cuộc khảo sát cho thấy, nhiều người Mỹ chưa tiêm vắc xin vẫn không thay đổi quan điểm. Các bác sĩ ở những điểm điều trị Covid-19 cho hay, một số bệnh nhân vẫn không tin họ bị nhiễm virus nghiêm trọng mà chỉ xem đó là bệnh cúm.
"Thậm chí nhiều bệnh nhân trong ICU cũng phủ nhận họ nhiễm Covid-19", tiến sĩ Sperry cho biết, và nói thêm: "Chúng tôi nói gì họ cũng không nghe".