1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

"Tội phản quốc" của tờ The New York Times

Sau loạt phóng sự vạch trần xìcăngđan nghe lén điện thoại và xem trộm thư điện tử của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) hồi tháng mười hai năm ngoái, tờ nhật báo hàng đầu nước Mỹ The New York Times lại tiếp tục gây khó chịu cho Washington.

Ngày 25/6, chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện Mỹ Peter King đòi truy tố The New York Times (NYT) vì “tội danh” mới nghiêm trọng không kém: tiết lộ thông tin Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) lén theo dõi hàng triệu giao dịch tài chính quốc tế.

 

Hạ nghị sĩ King tuyên bố sẽ gửi thư cho người đứng đầu ngành tư pháp Mỹ Alberto Gonzales để yêu cầu ông này mở cuộc điều tra và truy tố “các phóng viên, biên tập viên và chủ biên” của tờ NYT. “Chúng ta (nước Mỹ) đang ở trong thời kỳ chiến tranh, và việc tờ (New York) Times tiết lộ thông tin về các hoạt động và phương thức tình báo bí mật là phản quốc” - ông King buộc tội.

 

NYT đã viết gì? Trong số ra ngày 23/6, tờ báo cho biết: kể từ sau vụ 11/9/2001, CIA đã theo dõi các giao dịch tài chính trong cơ sở dữ liệu SWIFT, do 7.800 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia thiết lập ở Bỉ nhằm tìm ra đầu mối về hoạt động tài chính của các nghi can khủng bố. Theo các thông tin nội bộ, tờ báo cũng đã lường trước những khó khăn bởi trước khi số báo ngày 23/6 lên trang, các quan chức chính quyền Washington đã yêu cầu NYT và Los Angeles Times (LAT) không đăng bài viết này.

 

Tuy nhiên, như biên tập viên Bill Keller (NYT) và Dean Baquet (LAT) khẳng định, họ đã nghiên cứu rất kỹ vụ việc và thấy vấn đề này có liên quan quá lớn đến quyền lợi của công chúng, do đó công chúng có quyền được biết.

 

Ngoài NYT và LAT, bài viết về chương trình bí mật này cũng xuất hiện trên tờ Wall Street Journal. Hạ nghị sĩ King cũng đòi truy tố luôn các tờ báo này, nhưng NYT là mục tiêu số một do gánh thêm “tội trạng” về việc tiết lộ vụ nghe lén. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với ông King.

 

Thượng nghị sĩ Arlen Specter, chủ tịch Ủy ban Tư pháp thượng viện, cho rằng đòi truy tố tờ NYT là “quá vội vã”, cũng như sẽ là quá vội vã khi coi chương trình theo dõi giao dịch tài chính của Bộ Tư pháp là hợp pháp. Chiến dịch nghe lén điện thoại của NSA từng bị người dân Mỹ phản ứng dữ dội.

 

Trong cuộc khảo sát hồi tháng năm của tờ Newsweek, 53% người dân Mỹ cho rằng NSA đã xâm phạm nghiêm trọng tự do cá nhân. Kéo theo đó là tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Bush sụt giảm xuống còn 35%. Trong khi đó, theo khảo sát của đài CBS cùng thời điểm, tỉ lệ ủng hộ ông Bush chỉ còn là 33%.

 

Phản ứng của công luận đối với chương trình theo dõi giao dịch tài chính cũng mạnh mẽ không kém. Hạ nghị sĩ Barney Frank, thuộc Ủy ban Dịch vụ tài chính Hạ viện, phê phán chính quyền Mỹ đã hành động mà không bảo vệ quyền riêng tư của người dân. Công đoàn tự do công dân Mỹ thì gọi chương trình này là "sự xâm hại đáng sợ đối với tự do công dân".

 

Các thành viên đảng Dân chủ khẳng định đây lại là một bằng chứng cho thấy chính quyền Bush muốn khuếch trương quyền lực. Có lẽ sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Bush tiếp tục tuột dốc trong thời gian tới.

 

Giám đốc Ủy ban Phóng viên vì tự do báo chí Lucy Dalglish khẳng định NYT đã hành động rất có trách nhiệm. Theo ông Dalglish, trong tương lai người dân Mỹ sẽ cảm thấy vui mừng vì đã biết được những thông tin mà NYT công bố.

 

Theo Hiếu Trung

Tuổi trẻ/AP, AFP, Newsday

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm