1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vụ 1.200 người Việt bị bắt tại Nga:

Tôi khóc cho đồng bào của tôi…

(Dân trí) - Chiều 6/8/2013, qua ô cửa con con bé bằng hai tờ giấy A4 che sơ sài bằng mảnh bìa carton nhàu nhĩ ở góc trái cánh cửa sắt khép chặt lạnh lùng của khu trại tạm giam Mátxcơva, tận mắt nhìn bà con VN mình đứng đó trong lo âu mà lòng tôi quặn thắt.

  

Cánh cổng sắt lại khép, và kia là đồng bào của tôi…

Cánh cổng sắt lại khép, và kia là đồng bào của tôi…

Đồng bào của tôi đứng kia, với khoảng 400, 500 người, ở cách cánh cổng sắt chỗ tôi đứng vào khoảng 30 mét, trên đường Irlyshsky proezd – 2,  Golianovo (quận Đông bắc Mátxcơva). Họ đó, sau hàng rào sắt sơn vàng dựng ngăn cách khu vực dãy lều bạt dã chiến màu vàng với khoảng sân trước mặt. Những thanh niên nam nữ với bao ánh mắt lo lắng. Đi lại xung quanh là những người có trách nhiệm của phía Nga, cả cán bộ đại sứ quán Việt Nam tại Nga đang tất bật xử lí vụ việc. Lính OMON (đặc nhiệm) trong bộ áo quần rằn ri xanh dương, hay cảnh sát với bộ quân phục màu đen kịt, giày da cao ống lộp cộp, khuôn mặt lạnh lùng…

 

Nắng trên đầu của ngày hè tháng 8 ở Nga với nhiệt độ hơn 22 độ C, nóng bức hơi khó chịu. Họ đứng ở kia, sát bên cạnh nhau trên nền ximăng, đầu trần, tay vịn vào hàng rào. Cơn mưa chiều trước đó gặp nắng bốc hơi, không cẩn thận thì dễ ốm lắm.

 

Cánh cổng sắt vẫn im lìm câm lặng trước mặt chúng tôi ngăn cách như hai thế giới riêng biệt. Tôi chợt nhớ mấy câu thơ: “…anh đứng trong song sắt/em đứng ngoài cửa sắt/gần nhau trong tấc gang/mà biển trời cách mặt…” lòng lại càng xót xa thêm cho thân phận của chừng ấy con người còn đứng ở trong kia và cả tôi đứng ở ngoài này.

 

Thỉnh thoảng có nhân vật nào đó như luật sư hay cảnh sát Nga mặc thường phục, hoặc quan chức chính quyền…đi đến chìa cái mảnh “carvid” qua ô cửa sổ be bé sau khi hất cái mảnh bìa carton nhàu nhĩ che tạm ra để nhân viên bảo vệ đọc, trước khi cánh cửa hé ra đủ chỗ cho mấy người đó lọt vào, và lại ken két kéo sập lại trước những cặp mắt buồn buồn của chúng tôi.

 

Lợi dụng khoảng thời gian quí báu mà ngắn ngủi đó tôi chĩa ống kính vào chỗ bà con mình đứng mà bấm lia lịa. Nhưng chưa được hài lòng, bởi cái khoảng không gian đó hẹp quá. Chỉ thật may, khi một vài cái xe đi ra đi vào thì tôi mới có thể chụp được góc rộng hơn, đầy đủ hơn bóng hình những bà con mình.
 
Tôi vẫn còn có chút “an ủi” khi bên cạnh những “đồng minh” là mấy tay nam nữ nhà báo Nga cũng chịu chung số phận. Họ kiên nhẫn đứng đây tự bao lâu rồi, khi chúng tôi đi đến và ra về thì họ vẫn còn “thập diện mai phục”.
 
 
Bất lực khi phải nhìn đồng bào gặp hoạn nạn qua khe cửa.

Bất lực khi phải nhìn đồng bào gặp hoạn nạn qua khe cửa.

Thậm chí, lúc chúng tôi đến còn có cả mấy cụ cựu chiến binh Nga 70, 80 tuổi và cô phiên dịch người Việt đã đứng đó tự lúc nào.

 

Tôi và anh Quí Hùng (cũng ở trong Hội người VN định cư tại Nga), trò chuyện với các cụ. Qua lời tâm sự của các cụ mới biết: Các cụ không hài lòng về chuyện dựng lều trại tạm giam trong điều kiện thời tiết và với cái kiểu cách lạ lùng như thế này. Nó làm sao ấy?!

 

Hầu như tất cả những người mà tôi có dịp dốc cái sự bức xúc thì ai cũng thống nhất ý kiến đây là lần đầu tiên ở Nga dùng cách này để xử lí những người phạm lỗi – nhập cư bất hợp pháp. Nếu họ có vi phạm luật di trú thì xử lí theo kiểu hành chính rồi trục xuất. Vài nhà chức trách giải thích theo kiểu của họ nhưng xem ra, dư luận của bạn trên truyền thông và bên ngoài xã hội cũng không đồng tình cho lắm.

 

Tôi chỉ thấy thương cảm xót xa cho số phận của chừng đó đồng bào mình mà cảm thấy bất lực. Tôi cứ tự hỏi: Vì đâu nên nỗi? Họ hay kẻ nào? Có 8 kẻ trục lợi đầu sỏ đã bị bắt (trong đó có 1 người VN mình), nhưng còn bao kẻ khác còn nhởn nhơ ngoài vòng luật pháp? Thậm chí chúng nó giờ này còn ngồi trong phòng máy lạnh trên bộ xalông bóng lộn, tay cầm ly uyt-ki hay vodka, conhac, miệng phì phèo điếu xì-gà, bên cạnh là những ả chân dài móng đỏ õng ẹo…hoặc tay cầm quân bài sát phạt nhau chí tử?

 

Tự dưng mắt tôi cứ cay cay. Ngay cả khi nói chuyện qua điện thoại với bạn bè kể về vụ việc hôm nay mình đang chứng kiến mà giọng cũng nghẹn lại suýt bật ra tiếng khóc.

 

Bao giờ họ sẽ ra khỏi nơi này? Họ sẽ như thế nào trong những ngày tới? Trở về hay phải ở lại trong những nơi giam cầm khác? Hi vọng điều may mắn khác sẽ đến chứ không phải là lo âu thấp thỏm. Tôi vẫn đang liên lạc với những người có trách nhiệm và biết được các cơ quan ở cả 2 phía đang tích cực bàn bạc tìm ra biện pháp tối ưu để giải quyết. Cầu chúc cho mọi sự tốt lành.

 

Tôi đã chẳng thể làm được gì để giúp đồng bào của tôi ngoài những con chữ, bức hình - may ra có thể giải tỏa được phần nào nỗi bức xúc đang ứ nghẹn trong lòng mà thôi. Và hi vọng, mai này họ sẽ được biết đến – là vào cái ngày đó, giờ đó khi họ đứng chồn chân trên nền ximăng nóng bỏng ở phía trời Nga xa xôi bên trong hàng rào cạnh dãy lều dã chiến dựng tạm - hay lâu dài, có ai mà biết được – thì vẫn có một người đồng hương cũng đang đứng ngậm ngùi trông ngóng bên ngoài cánh cổng sắt đen sì lạnh lùng. Nước mắt của người đồng hương đó cũng đang nghẹn ứ đắng nghét trong cổ.

 

Võ Hoài Nam (từ Mátxcơva)