Tốc độ bất thường
Sáng 7-4 (theo giờ Việt Nam), hàng loạt phương tiện truyền thông Mỹ dẫn lời giới chức quân sự nước này cho biết Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh tấn công một căn cứ quân sự của Syria bằng tên lửa.
Khoảng 60 tên lửa hành trình Tomahawk đã được quân đội Mỹ phóng nhằm vào một sân bay quân sự nằm gần thành phố Homs, phía Tây Syria.
Phát biểu tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Floria, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận thông tin này.
Ông Donald Trump gọi đây là một “cuộc tấn công quân sự có chủ đích”. Bởi theo ông Trump, sân bay quân sự ở Homs chính là nơi bắt nguồn của vụ tấn công hóa học xảy ra đầu tuần này. Ông Trump đã mô tả cuộc tấn công bằng tên lửa Tomahawk là động thái để bảo vệ “lợi ích an ninh quốc gia cốt yếu” của Mỹ.
Vụ tấn công lập tức làm rúng động dư luận quan tâm đến tình hình Syria. Truyền hình Nhà nước Syria ngày 7-4 xác nhận vụ việc và gọi đây là hành động "xâm lược". Trong cuộc trả lời qua điện thoại trên kênh truyền hình quốc gia Syria, Thị trưởng thành phố Homs của Syria tuyên bố: "Ban lãnh đạo Syria và chính sách của nước này sẽ không thay đổi”.
Cuộc tấn công trực tiếp của Mỹ nhằm vào các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad kể từ khi cuộc nội chiến bùng phát 6 năm trước đã đánh dấu bước leo thang quân sự lớn của Mỹ.
Một điều đặc biệt, tốc độ phản ứng của chính quyền Donald Trump nhanh một cách bất thường, khiến dư luận "buộc" phải nghi ngờ về động cơ vụ tấn công khi trong thực tế, quan chức Mỹ chỉ mới vừa tuyên bố cân nhắc phương án quân sự trước đó vài giờ.
Sự bất ngờ và quyết liệt này được cho là nhắm tới nhiều hơn một cái “đích” cụ thể là Syria. Cuộc tấn công tên lửa diễn ra ngay giữa lúc Tổng thống Trump tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình ở Mỹ với trọng tâm là một vấn đề an ninh khác: Chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Hành động tấn công vào Syria còn được cho là bắn tín hiệu nước Mỹ không e ngại hành động quân sự đơn phương trong vấn đề Triều Tiên, hay một "hồ sơ" nào đó. Kể cả khi có các cường quốc lớn đừng đằng sau.
Sự vội vã có chủ định trong hành động Mỹ tấn công quân sự Syria đã làm thế giới "giật mình" khi nhìn lại lịch sử về các "lý do" của một số cuộc chiến xảy ra gần đây. Có vẻ như vũ khí hóa học luôn là lý do “chính đáng” để Mỹ tiến hành một hành động quân sự chống lại một quốc gia nào đó. Và Syria cũng không phải trường hợp ngoại lệ.
Tại Iraq năm 2003, Mỹ đã tấn công quốc gia này với cái cớ là Iraq có sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Sự thật thông tin này sau khi được phơi bày đã chứng minh đó là cái cớ vô căn cứ. Một nguồn tin tình báo sai lệch đã đem tai họa đến với Iraq, khiến đất nước này chìm trong bất ổn kể từ năm 2003, với sự nổi lên của chủ nghĩa cực đoan, bè phái và một nền kinh tế kiệt quệ.
Tình hình hiện nay gợi nhớ đến những gì đã diễn ra vào năm 2013, khi Tổng thống Mỹ lúc đó là Obama đã đe dọa áp dụng biện pháp quân sự chống lại Syria vì đã sử dụng nguyên liệu hóa học trong cuộc chiến ở Syria.
Chiến dịch quân sự đó đã không xảy ra do Nga và Mỹ đã đạt được một thỏa thuận vào phút chót, theo đó tiêu hủy hết kho vũ khí của Chính phủ Syria dưới sự giám sát của Tổ chức cấm vũ khí hóa học.
Theo thỏa thuận này, vũ khí hóa học của Syria đã bị tiêu hủy hết. Chính phủ Syria đã không còn sở hữu loại vũ khí này nữa. Như vậy, tiêu hủy kho vũ khí của Syria chính là sự trao đổi để Mỹ không tiến hành chiến dịch quân sự vào năm 2013.
Còn bây giờ, đâu là cái giá, hay mục tiêu đằng sau sự leo thang này?
Trong “câu chuyện” Syria, giới quan sát lấy làm ngạc nhiên bởi một vụ tấn công nghiêm trọng như vậy lại có thể lập tức kéo theo một cuộc chiến tranh mà không có sự điều tra kỹ lưỡng nào?
Giới phân tích cho rằng thật không hợp lý khi cáo buộc Chính phủ Syria tiến hành vụ tấn công hóa học vào thời điểm mà quân đội Syria ở trong tình trạng rất tốt, và không có lý do gì phải dùng đến "hạ sách" cuối cùng là tiến hành một vụ tấn công như vậy để đạt được các mục đích của mình!
Không ai dại gì tự bắn vào chân mình. Vậy phải chăng chiến dịch chống Chính phủ Syria dường như đã được Mỹ và phương Tây chuẩn bị từ trước? Phải chăng “đích đến” của vụ tấn công này muốn “bắn” thêm một mục tiêu nữa là lực lượng Nga đang hiện diện ở Syria?
Nếu đúng là như vậy, mục đích này sẽ thất bại. Bởi Nga cho biết vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ quân đội Syria trong cuộc chiến chống “các nhóm khủng bố”. Còn nếu mục tiêu là gây áp lực lên chính quyền của Tổng thống Assad, mục tiêu này cũng không thành công. Bởi Chính phủ Syria cho biết sẽ không thay đổi cách tiếp cận trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và trong cách xử lý vấn đề chính trị.
Có một điều ai cũng nhìn thấy, vụ tấn công đã xảy ra sau bao lần tìm cớ về một “lằn ranh đỏ”. Chưa rõ hoạt động tấn công quân sự có thể leo thang đến đâu, chỉ biết rằng Syria khó thoát ra khỏi cảnh hỗn loạn.
Theo Nguyễn Hòa
Quân đội nhân dân