Toan tính của Trung Quốc trong "nước cờ" Iran
(Dân trí) - Phản ứng dè chừng của Trung Quốc trước vụ Mỹ sát hại tướng cấp cao Iran cho thấy Bắc Kinh vẫn chưa sẵn sàng liên minh với Nga để đóng vai trò trực tiếp trong tình hình xung đột ở Trung Đông.
Mặc dù Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Bắc Kinh “rất quan ngại” về vụ không kích của Mỹ khiến Tư lệnh Iran Qasem Soleimani thiệt mạng, thậm chí gọi đây là hành động “không thể chấp nhận được”, nhưng ông Vương không sử dụng những từ như “lên án” hay “phản đối kịch liệt” như Ngoại trưởng Nga hay Iran. Thay vào đó, Ngoại trưởng Vương nói rằng Trung Quốc sẽ “đóng vai trò mang tính xây dựng” nhằm giúp đảm bảo an ninh khu vực, đồng thời kêu gọi “tất cả các bên” tôn trọng luật pháp quốc tế.
Những tuyên bố trên của ngoại trưởng Trung Quốc phù hợp với nỗ lực từ trước đến nay của Bắc Kinh, khi tránh đưa ra những cam kết tại một khu vực mà nước này có thể xung đột với Mỹ và các đồng minh của Washington. Trung Quốc cho đến nay vẫn không có nhiều động thái để chống lại nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm gia tăng sức ép lên Iran, ngoài việc bảo vệ thỏa thuận hạt nhân của Iran và chỉ trích các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ.
Ngày 6/1, Mỹ cáo buộc Trung Quốc liên minh với Nga tại Liên Hợp Quốc để ngăn chặn một nghị quyết của Hội đồng Bảo an với nội dung lên án vụ tấn công nhằm vào đại sứ quán Mỹ ở Baghdad - nguồn cơn khiến Tổng thống Trump phát lệnh không kích giết Tướng Soleimani. Phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho biết động thái của Trung Quốc và Nga đã “đặt ra nghi vấn về mức độ tín nhiệm của Hội đồng Bảo an”.
Hiện không có nhiều dấu hiệu cho thấy cái chết của Tướng Soleimani sẽ thúc đẩy Trung Quốc đi chệch khỏi lập trường cân bằng như nước này vẫn duy trì từ trước đến nay, đặc biệt trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình đang tìm cách kết thúc các cuộc đàm phán thương mại sơ bộ với Tổng thống Trump trong tháng này.
Chiến lược của Trung Quốc
Mặc dù Trung Quốc tăng cường hợp tác quân sự với Nga và mở rộng mối quan hệ với Iran, nhưng Bắc Kinh vẫn phải trông cậy vào Ả rập Xê út, nước đối thủ của Iran, với vai trò là nhà cung cấp dầu mỏ hàng đầu cho Trung Quốc.
“Trung Quốc đang mắc kẹt trong tình huống khó xử vì vừa không muốn khiêu khích chính quyền Trump, vừa muốn duy trì quan hệ đối tác chiến lược gần gũi với Nga, trong khi vẫn phải đảm bảo lợi ích của Trung Quốc tại Iran”, Shi Yinhong, cố vấn cho chính quyền Trung Quốc và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, nhận định.
“Tôi dự đoán chính quyền Trung Quốc sẽ vẫn giữ giọng điệu ôn hòa, kêu gọi các bên kiềm chế leo thang căng thẳng”, giáo sư Shi cho biết thêm.
Trung Quốc và Nga tăng cường quan hệ quân sự trong những năm gần đây. Hai nước tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung và thực thi các chính sách an ninh phối hợp trên toàn khu vực châu Á thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp Tổng thống Vladimir Putin hơn 30 lần kể từ năm 2013. Nhà lãnh đạo Trung Quốc gọi ông chủ Điện Kremlin là “đồng nghiệp nước ngoài gần gũi nhất”. Ông Putin cũng ca ngợi hợp tác Nga - Trung đạt đến “tầm cao chưa từng có”.
Tuy vậy, Nga và Trung Quốc vẫn không thể liên minh trong một cuộc xung đột ở Trung Đông. Mặc dù giới chức Trung Quốc nhiều lần chỉ trích các hành động của Mỹ nhằm chống lại các lợi ích an ninh và thương mại của Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc vẫn lựa chọn phản ứng dè chừng trước những tranh chấp của Mỹ với các đối tác ngoại giao của Bắc Kinh.
Trung Quốc tránh những động thái có thể cản trở nỗ lực của Mỹ trong việc hạ bệ một đối tác ngoại giao của Bắc Kinh là Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Trung Quốc chỉ nói rằng đây là vấn đề nội bộ và nên để người dân Venezuela tự giải quyết.
Ian Bremmer, chủ tịch kiêm người sáng lập Nhóm Á - Âu, ngày 6/1 nhận định, Trung Quốc có mục tiêu khác với Nga tại khu vực Trung Đông.
“Nga muốn sự hỗn loạn. Còn Trung Quốc muốn sự ổn định”, chuyên gia Bremmer cho biết.
Trung Quốc đã cắt giảm đáng kể lượng dầu mua từ Iran kể từ khi Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừng phạt đối với những nước mua dầu của Iran hồi năm ngoái. Trung Quốc chỉ nhập khẩu chưa đầy 540.000 tấn dầu thô hồi tháng 11/2019, so với hơn 3 triệu tấn hồi tháng 4. Trung Quốc vẫn là khách hàng mua dầu lớn nhất của Iran, nhưng số dầu Bắc Kinh mua của Ả rập Xê út trong 11 tháng đầu năm 2019 gấp 5 lần so với Iran.
Hiện vẫn chưa rõ Trung Quốc, quốc gia có nền kinh tế và ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới, sẽ đóng vai trò tích cực hơn như thế nào tại Trung Đông. Hồi tháng trước, Trung Quốc đã đón tiếp Ngoại trưởng Iran trong chuyến thăm tới Bắc Kinh, đồng thời tham gia cuộc tập trận hải quân chung với Iran và Nga tại Ấn Độ Dương và vịnh Oman.
Tổng thống Trump nhiều lần nói rằng ông muốn Chủ tịch Tập Cận Bình đứng ngoài lề trong các vấn đề ở Trung Đông. Hồi tháng 6, ông chủ Nhà Trắng cảnh báo trên mạng xã hội rằng Trung Quốc nên bắt đầu bảo vệ hoạt động vận chuyển dầu của nước này qua vùng Vịnh. Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm qua cũng lảng tránh câu hỏi về việc liệu Bắc Kinh có cân nhắc về vai trò an ninh lớn hơn tại Trung Đông hay không.
Trung Quốc có thể sử dụng vai trò là một nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an để chỉ trích các hành động của Mỹ nhằm vào Iran. Tuy nhiên, theo chuyên gia Shi, Bắc Kinh sẽ trì hoãn việc này trong thời gian lâu nhất có thể.
“Trung Quốc sẽ không đứng về phía nào tại Hội đồng Bảo an cho tới khi nước này bắt buộc phải lựa chọn”, chuyên gia Shi cho biết thêm.
Thành Đạt
Tổng hợp