1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tòa quốc tế xem xét vụ Philippines kiện "đường lưỡi bò"

Yêu sách ngang ngược của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ biển Đông lần đầu tiên sẽ được soi xét kỹ lưỡng về mặt pháp lý quốc tế trong tuần này.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario sẽ dẫn đầu phái đoàn tham dự vụ kiện. (Ảnh:
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario sẽ dẫn đầu phái đoàn tham dự vụ kiện. (Ảnh: AP)
 
Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn chính thức từ chối tham gia vụ kiện “đường lưỡi bò” do Philippines khởi kiện lên Tòa án Trọng tài quốc tế...
 
Nhóm chuyên gia pháp luật quốc tế của Manila đã có mặt tại Tòa án Trọng tài thường trực tại The Hague (Hà Lan) để giải trình trước hội đồng gồm 5 thẩm phán có thẩm quyền thụ lý vụ kiện của Philippines. Động thái này là vì lo ngại lập trường phản đối, bất hợp tác của Trung Quốc đối với vụ kiện. Tòa án hồi tháng 5 công nhận sự phản đối của Trung Quốc và thông báo, trước hết, một cuộc điều trần về quyền tài phán từ ngày 7 đến 13/7 sẽ được tổ chức.

Manila khởi kiện yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc từ năm 2013 nhằm tìm kiếm một phán quyết về quyền khai thác các vùng nước ở biển Đông trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Các chuyên gia pháp lý cho rằng, bất kỳ phán quyết nào có lợi cho Philippines cũng sẽ khó được thi hành, do không có cơ quan nào của Liên Hợp Quốc thực thi những phán quyết như vậy. Tuy nhiên, một phán quyết như thế sẽ là một đòn ngoại giao đối với Bắc Kinh và thúc đẩy các bên yêu sách khác ở biển Đông tiến hành những hành động tương tự (kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế).

Vụ kiện đang được các nước châu Á và Mỹ theo dõi sát sao trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên biển Đông, đặc biệt tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), nơi Trung Quốc đang ráo riết xây dựng ít nhất 7 đảo nhân tạo, cho phép hải quân nước này bành trướng sức mạnh vào sâu trung tâm hàng hải Đông Nam Á. Trung Quốc yêu sách chủ quyền với hầu như toàn bộ biển Đông, chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của nhiều nước Đông Nam Á.

Nếu không có sự đồng ý của Trung Quốc, Philippines không thể có được một phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế tại The Hague về chủ quyền lãnh thổ. Thay vì thế, Manila tìm cách giải quyết tranh chấp theo UNCLOS, một cơ chế cho phép phán quyết thậm chí ngay cả khi một bên phản đối hoặc từ chối tham gia vụ kiện. Luật Biển không ra phán quyết về chủ quyền, nhưng phân định rõ hệ thống lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế có thể đòi hỏi dựa trên các thực thể như đảo, đá hay bãi cạn.

Trung Quốc cho rằng, bản chất vụ kiện của Philippines là chủ quyền, vì thế vượt quá thẩm quyền của tòa. Chuyên gia Ian Storey ở Singapore nhận định, việc xem xét của tòa có thể trì hoãn bất kỳ phán quyết cuối cùng nào từ 6 đến 12 tháng, có nghĩa phiên tòa sẽ kéo dài quá thời hạn mãn nhiệm của Tổng thống Philippines Benigno Aquino vào tháng 6/2016. Ông Aquino là nhân vật chủ chốt đứng sau các thách thức pháp lý đối với Trung Quốc. Mặc dù có sự trao đổi, Trung Quốc vẫn có kế hoạch từ chối bất kỳ phán quyết nào có lợi cho Philippines. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh tuyên bố, “quyết định đơn phương” là “một sự khiêu khích chính trị nhân danh luật pháp nhằm tìm cách bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông”. Ngoại trưởng Philippines Charles Jose ngược lại, khẳng định tòa án là bước đi cơ bản đầu tiên tiến tới một giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp để giải quyết tranh chấp.

Jiji Press đưa tin, ngày 5/7, Mỹ và Úc khởi động cuộc tập trận kéo dài 2 tuần với 30.000 quân, lần đầu có sự tham dự của quân đội Nhật Bản trong bối cảnh biển Đông căng thẳng. Kyodo đưa tin, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey và Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản Katsutoshi Kawano sẽ gặp nhau tại Washington ngày 16/7 để chủ trì đối thoại chiến lược, tăng cường liên minh đối phó sự hung hăng của Trung Quốc.
Theo Thục Ninh (tổng hợp)
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm