1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Toà án Thái Lan chưa có quyết định về bầu cử

Chủ tịch ba toà án có thẩm quyền cao nhất tại Thái Lan hôm qua đã không đạt được thoả thuận về việc có huỷ bỏ kết quả của cuộc bầu cử gây tranh cãi ngày 2/4 hay không, khiến hy vọng phá thế bế tắc chính trị trở nên mong manh.

Lãnh đạo các toà án đã thảo luận trong gần hai giờ để thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Thay vì đưa ra được quyết định mới, họ chỉ đạt được thoả thuận rằng các toà án sẽ đẩy nhanh việc nghiên cứu hàng trăm vụ án liên quan đến tính công bằng của các cuộc bầu cử mà ba toà án từng thụ lý, Charan Pakdithanakul, chủ tịch toà án Hành chính, cho biết.

 

"Các thẩm phán đã nhất trí rằng mỗi toà án sẽ độc lập xem xét những vụ án liên quan đến bầu cử trong thời gian nhanh nhất. Tất cả chúng tôi đều ý thức được nhiệm vụ của mình và những vấn đề cần phải giải quyết, cũng như sự kỳ vọng của công chúng", ông nói.

 

Người ta từng hy vọng rằng các toà án sẽ đưa ra được một quyết định mang tính đột phá để kết thúc tình trạng khủng hoảng chính trị hiện nay thông qua việc huỷ bỏ kết quả bầu cử hoặc dỡ bỏ những trở ngại về mặt pháp lý khiến quốc hội không thể nhóm họp.

 

"Tình thế không hứa hẹn nhiều. Người dân càng phải đợi lâu thì có lẽ tình hình sẽ càng xấu đi", David Streckfuss, một học giả Mỹ nghiên cứu về hệ thống luật pháp Thái Lan, nhận định.

 

Đảng của Thaksin giành được 56% số phiếu trong cuộc bầu cử sớm ngày 2/4. Nhưng do phe đối lập tẩy chay bầu cử nên 40 ghế trong quốc hội 500 ghế bị bỏ trống, và một vòng bầu cử mới hồi cuối tuần trước cũng không lấp đầy được các ghế trống này. Vòng bầu cử bổ sung thứ ba sẽ được tổ chức vào ngày mai tới tại miền nam.

 

Quốc hội không thể nhóm họp nếu các ghế chưa được lấp đầy. Ngay cả khi các nghị sĩ có thể nhóm họp thì quốc hội cũng sẽ bị kiểm soát bởi đảng Người Thái yêu người Thái của Thủ tướng Thaksin, bởi đảng của ông có khả năng kiểm soát tới 490 ghế.

 

Toà án Thái Lan hiếm khi can thiệp vào chính trị, và liên tục từ chối ra phán quyết để chấm dứt tình thế hiện nay trước khi có lệnh của quốc vương. Cuộc họp hôm nay giữa lãnh đạo 3 toà án có thẩm quyền cao nhất - toà án Hiến pháp, toà án Hành chính và toà Tối cao - chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước này.

 

Toà án Hiến pháp và toà án Hành chính là những cơ quan mới được thành lập theo Hiến pháp 1997. Trước khi Hiến pháp 1997 ra đời, các tranh cãi chính trị tại Thái Lan thường được giải quyết bởi quân đội, chứ không phải hệ thống pháp lý. Quân đội mới đây đã cam kết đứng ngoài cuộc khủng hoảng và để cho hệ thống chính trị tự giải quyết tình hình.

 

Kể từ khi quốc vương tuyên bố không can thiệp và chỉ thị cho toà án đảm nhận vai trò ra quyết định, tất cả các đảng đối lập chính bỗng đột nhiên thay đổi quan điểm. Họ đều khẳng định rằng sẽ chấp nhận phán quyết của toà án.

 

Những người lãnh đạo những cuộc biểu tình chống Thaksin cũng nhanh chóng thay thay đổi lập trường, tuyên bố sẽ tuân theo quyết định của toà án và thậm chí có thể chấp nhận một cuộc bầu cử mới với sự tham gia của Thủ tướng Thaksin, mặc dù trước đó họ thường phản đối những lời bình luận của nhà vua.

 

Theo Việt Linh

Vnexpress/AFP