"Tố" Trung Quốc không giữ lời, Ấn Độ đưa thêm quân tới biên giới tranh chấp
(Dân trí) - Phía Ấn Độ xác nhận đưa thêm binh sĩ lên biên giới tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Himalaya. Trước đó, New Delhi cáo buộc Bắc Kinh không coi trọng cam kết rút bớt quân ở khu vực.
Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind ngày 29/1 cho biết nước này đã đưa thêm lực lượng lên khu vực tranh chấp với Trung Quốc, nhằm gia tăng hiện diện quân sự ở Đường kiểm soát Ấn Độ - Trung Quốc (LAC) để bảo vệ chủ quyền đất nước.
"Chính phủ hoàn toàn duy trì cam kết bảo vệ lợi ích quốc gia và cũng rất cảnh giác. Các lực lượng bổ sung cũng đã được triển khai để bảo vệ chủ quyền của Ấn Độ tại LAC", ông Kovind cho biết.
Động thái của Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh 2 bên đã đồng ý thúc đẩy việc rút bớt quân ở khu vực tranh chấp sau cuộc đàm phán cấp cao thứ 9 kết thúc hồi đầu tuần.
Trước đó, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar hôm 28/1 đã cáo buộc Trung Quốc triển khai quân và xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới, đồng thời mô tả cuộc đụng độ chết người năm ngoái giữa quân đội 2 nước đã "làm xáo trộn sâu sắc" mối quan hệ song phương.
Ông Jaishankar cáo buộc vụ việc hồi tháng 6/2020 ở Lakdah cho thấy Trung Quốc "có dấu hiệu coi thường cam kết về việc rút bớt binh sĩ và cũng cho thấy họ sẵn sàng phá vỡ hòa bình và yên ổn".
"Quan trọng hơn, tới nay, chúng tôi chưa nhận được bất cứ lời giải thích đáng tin cậy nào nào về sự thay đổi lập trường của Trung Quốc hoặc lý do họ triển khai quân đội ồ ạt ở khu vực biên giới. Đó là một vấn đề khác mà các lực lượng Ấn Độ đã phản ứng một cách thích hợp và giữ mình trong những hoàn cảnh rất khó khăn", ông Jaishankar cho biết.
Căng thẳng giữa 2 quốc gia vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù các bên đã tích cực thiết lập các cuộc đàm phán song phương. Hồi đầu tuần, Ấn Độ nói rằng quân nhân 2 nước tuần trước đã có ẩu đả ở khu vực Sikkim và xung đột đã được các chỉ huy địa phương giải quyết.
LAC được thiết lập sau cuộc chiến tranh Trung - Ấn năm 1962, nhưng hầu hết đường này chưa được 2 bên đánh dấu mốc, dẫn tới những tranh cãi chủ quyền và gây ra nguy cơ bùng phát bạo lực.