Tổ chức do Trung Quốc lập ra "sẵn sàng can thiệp vào Kazakhstan nếu cần"
(Dân trí) - Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), nhóm an ninh do Trung Quốc và 5 nước khác lập ra, tuyên bố sẵn sàng can thiệp vào cuộc bạo loạn ở Kazakhstan - một nước thành viên - nếu cần thiết.
SCMP đưa tin, SCO đã cam kết sẽ can thiệp vào tình hình bạo loạn của nước thành viên Kazakhstan nếu cần thiết. Tuy nhiên, nhóm này cũng thể hiện quan điểm ủng hộ các động thái của chính phủ Kazakhstan - dấu hiệu cho thấy họ ủng hộ việc Nga đưa quân vào giúp quốc gia Trung Á khôi phục lại an ninh.
Từ đầu năm nay, quốc gia Liên Xô cũ Kazakhstan đã đối mặt với làn sóng biểu tình phản đối giá nhiên liệu tăng và các diễn biến sau đó đã leo thang thành bạo loạn diện rộng khiến hàng chục người chết, hàng nghìn người bị thương.
Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã yêu cầu sự hỗ trợ từ Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu gồm các nước Liên Xô cũ. Nga đã chuyển quân tới Kazakhstan để bắt đầu nỗ lực khôi phục lại trật tự.
Ngoài ra, Kazakhstan cũng là một trong 6 thành viên của tổ chức an ninh khu vực SCO gồm Trung Quốc, Nga, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. SCO cho biết, họ sẵn sàng hỗ trợ Kazakhstan nếu "có yêu cầu tương ứng từ cơ quan liên quan của Kazakhstan".
Tuy nhiên, SCO cũng bày tỏ tin tưởng rằng các động thái hiện tại của chính quyền Kazakhstan sẽ giúp bình ổn tình hình nhanh nhất có thể, nhằm bảo vệ an ninh và hệ thống hiến pháp của đất nước.
Trong một tuyên bố riêng, Zhang Ming, Tổng thư ký của SCO, cho biết ông hy vọng tình hình sẽ sớm ổn định. Ông Zhang nói: "Duy trì ổn định nội bộ và hòa hợp xã hội ở Cộng hòa Kazakhstan với tư cách là một quốc gia thành viên của SCO là một trong những yếu tố quan trọng cho hòa bình và an ninh trong khu vực".
Giới quan sát nhận định, Trung Quốc và Nga dường như đồng thuận với các động thái hiện tại ở Kazakhstan nhằm tránh "đụng chạm" vào chiến lược của mỗi bên.
Trung Quốc coi Kazakhstan là khu vực địa chiến lược quan trọng, là một mắt xích trong sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của họ. Ngoài vai trò về mặt kinh tế, Trung Quốc muốn nước láng giềng Kazakhstan duy trì tình trạng ổn định vì lo ngại những bất ổn ở Trung Á có thể làm phức tạp tình hình ở khu vực Tân Cương.
Danil Bochkov, nhà nghiên cứu tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, cho biết: "Trung Quốc có sự hiện diện kinh tế rất tích cực trong khu vực Trung Á, trong khi chương trình nghị sự an ninh tại đây vẫn đang nghiêng về Nga. Tôi không nhận thấy bất kỳ phản ứng tiêu cực nào từ Trung Quốc về việc Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình, vì Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ ủng hộ chính quyền Kazakhstan trong việc đưa đất nước trở lại ổn định và đảm bảo an ninh".
Ông Bochkov cho rằng Trung Quốc có khả năng sẽ không can dự quá nhiều vào các vấn đề an ninh khu vực trong tương lai gần, do quan hệ của họ với Nga.
Wan Qingsong, phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Nga tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, cho rằng Trung Quốc và Nga sẽ có lập trường tương tự đối với vấn đề Kazakhstan.
Ông Wan cho biết Nga vẫn là một nhân tố không thể thay thế trong an ninh khu vực Trung Á nhưng nhấn mạnh Trung Quốc chắc chắn sẽ quan tâm tới các diễn biến ở Kazakhstan vì tầm quan trọng của quốc gia này với an ninh của Trung Quốc.