1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tình yêu, sự sẻ chia sẽ đánh bại IS nhanh nhất

Từ các vụ tấn công tại Pháp, Bỉ, có thể thấy, việc thế giới đoàn kết, thắt chặt tình bạn với người Hồi giáo sẽ là đòn “đánh bại IS” nhanh nhất.

Chỉ tình yêu mới chiến thắng được hận thù... Nguồn: AP
Chỉ tình yêu mới chiến thắng được hận thù... Nguồn: AP

Cộng đồng thế giới ngày 22/3 lại rúng động vì loạt vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhằm vào thủ đô Brussels xinh đẹp và yên bình của Bỉ. Máu đã đổ, nước mắt đã rơi và sự căm phẫn đã trào lên. Thêm một lần nữa Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lại tìm cách gieo rắc nỗi hoảng sợ trên khắp thế giới.

Giữa vô vàn sự đau thương và có cả sự lo lắng, bất an, người ta nghe thấy có những lời kêu gọi dùng hận thù chống lại hận thù, dùng vũ lực chống lại vũ lực, dùng chiến tranh chống lại chiến tranh. Tuy nhiên, câu trả lời đúng đắn nhất cho những vụ tấn công khủng bố vô nhân tính nói trên chỉ có thể được gói gọn trong 2 câu:”Tình yêu chiến thắng hận thù” và “Đoàn kết khiến kẻ thù khiếp hãi”.

Mối đe doạ toàn cầu

Loạt năm vụ nổ vang lên đúng vào giờ cao điểm buổi sáng tại các khu vực sân bay và 3 ga tàu điện ngầm ở thủ đô Brussels. Chính phủ Bỉ xác nhận, 34 người đã thiệt mạng và số người bị thương lên tới cả trăm người.

Sự việc diễn ra chỉ vài tháng sau loạt vụ tấn công khủng bố gây chấn động thế giới nhằm vào thủ đô Paris tráng lệ của nước Pháp cuối năm ngoái cho thấy, Châu Âu chưa bao giờ dễ tổn thương vì chủ nghĩa khủng bố như thời điểm hiện tại. IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm và tuyên bố vụ tấn công Brussels là để trả thù việc Bỉ tham gia vào liên minh chống IS. Người ta tin rằng, loạt vụ tấn công ngày 22/3 ở Bỉ có liên quan đến mạng lưới tiến hành các vụ khủng bố ở thủ đô Paris.

Không chỉ có vậy, trong vòng 5 tuần qua, IS đã nhận trách nhiệm về hàng loạt vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Baghdad của Iraq, thủ đô Damascus và tỉnh Homs của Syria, một thành phố ở Tunisia và một quận trung tâm ở thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Những vụ tấn công như vậy đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người. Có vẻ như, trong bối cảnh đang hứng chịu những tổn thất trên chiến trường ngay tại đại bản doanh của chúng ở Iraq và Syria, IS bắt đầu quay sang điên cuồng trả thù bằng cách phát động các cuộc tấn công ra bên ngoài, nhằm vào các nước thuộc liên minh chống IS.

Liên tiếp các vụ tấn công khủng bố một lần nữa cho thấy tính tàn bạo của IS và cho thấy mối nguy thực sự của chúng đối với toàn cầu. Tổ chức này cho thấy chúng có tham vọng và đã vươn rộng cánh tay tội lỗi không chỉ ra khắp khu vực Trung Đông mà cả châu Âu và xa hơn nữa. Chiến lược của tổ chức khủng bố khét tiếng này là chia ra hai mũi nhọn: một là tiếp tục xây dựng cái mà chúng gọi là Nhà nước Hồi giáo trong khi mũi nhọn kia là xây dựng mạng lưới quốc tế có quy mô không kém gì của Al-Qaeda trước đây.

Tình yêu chiến thắng hận thù

Nỗi đau gây ra từ những vụ tấn công khủng bố là không gì có thể kể xiết. Cao uỷ chính sách đối ngoại, Liên minh Châu Âu (EU) - bà Federica Mogherini đã bật khóc ngay trong một cuộc họp báo khi nghe tin về loạt vụ tấn công khủng bố ở Bỉ. Bà Mogherin nghẹn ngào phát biểu: “Hôm nay là một ngày khó khăn. Nỗi đau mà chúng ta cảm nhận ở đây giống với nỗi đau mà các bạn cảm thấy tại những nơi mình đang sinh sống”.

Bà Federica Mogherini đã bật khóc ngay trong một cuộc họp báo... Ảnh: Telegraph
Bà Federica Mogherini đã bật khóc ngay trong một cuộc họp báo... Ảnh: Telegraph

Trong khi đó, từ Cuba, Tổng thống Obama cam kết: “Chúng ta sẽ làm mọi việc cần thiết để ủng hộ những người bạn, người đồng minh Bỉ của chúng ta để bắt những kẻ chịu trách nhiệm phải ra trước công lý”. Ông Obama nhấn mạnh, thế giới cần phải đoàn kết “bất chấp quốc tịch, chủng tộc, niềm tin... để chống lại bè lũ khủng bố”.

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thể hiện sự phẫn nộ trước chủ nghĩa khủng bố và kêu gọi các nước hãy đoàn kết, đồng tâm hiệp lực để giải quyết mối đe dọa nguy hiểm đến nền hòa bình thế giới này.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 22/3 cũng phát biểu: “Chúng tôi hết sức bàng hoàng, phẫn nộ và lên án mạnh mẽ các vụ tấn công khủng bố đẫm máu bằng bom liên tiếp xảy ra tại thủ đô Brussels, Bỉ khiến nhiều người bị thiệt mạng và bị thương”.

Máu đã đổ, nước mắt đã rơi, đau thương tràn khắp nơi nơi, đâu đó xuất hiện sự lo sợ, bất an. Giữa vô vàn những cảm xúc lẫn lộn như vậy, người ta đã nghe thấy có những lời kêu gọi về sự trả thù, dùng vũ lực đáp lại vũ lực, dùng chiến tranh chống lại chiến tranh. Liệu sự trả thù có giúp con người yên bình hơn, an toàn hơn và hạnh phúc hơn hay không?

Câu trả lời đúng đắn nhất và cũng là đáng sợ nhất đối với lực lượng khủng bố chính là sự thể hiện của tình yêu, tình đoàn kết và sẻ chia của cộng đồng quốc tế.

Nếu chúng ta để nỗi sợ lấn át, để lòng căm hận trào lên, chúng ta vùng lên trả thù bằng các cuộc tấn công đẫm máu điên cuồng, bằng chính sách chống người Hồi giáo trên khắp thế giới thì chúng ta rõ ràng đang rơi vào cái bẫy của chủ nghĩa khủng bố. Chúng ta không thể chiến thắng nỗi sợ hãi bằng nỗi sợ hãi, chiến thắng bạo lực bằng bạo lực.

Nói như vậy không có nghĩa là cộng đồng thế giới không nên chống lại lực lượng khủng bố. Chúng ta phải chống chủ nghĩa khủng bố bằng những chính sách giải quyết tình trạng khó khăn về kinh tế-xã hội; tăng cường tập trung vào các nhóm, cộng đồng dễ tổn thương cùng với những chính sách đối ngoại bác bỏ chủ nghĩa quân sự hoá và chiến tranh, ủng hộ đối thoại, đàm phán.

Điều quan trọng hơn, các nước cần phải tập trung đầu tư vào thế hệ thanh niên trẻ, giúp họ xây dựng lòng tự tôn, niềm tin và kết nối họ với xã hội, cho họ một định hướng về tương lai rõ ràng. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể giúp họ vượt qua được những cạm bẫy do các tổ chức khủng bố giăng ra và đây cũng là cách hiệu quả nhất để chống lại khủng bố.

Báo chí Bỉ vừa đăng tải một hình ảnh từ một máy quay camera an ninh trong đó có 3 người đàn ông bị tình nghi là thủ phạm gây ra loạt vụ tấn công khủng bố ở Brussel. Trong bức ảnh, người ta thấy 3 tên nghi phạm có mái tóc màu đen đang đẩy xe hành lý vào khu vực sân bay. Danh tính của chúng chưa được xác định. Sáng 23/3, có nguồn tin cho biết, cảnh sát đã bắt được 2 nghi phạm. Trong khi đó, chính quyền Bỉ cho hay, họ lo ngại các nghi phạm tấn công khủng bố vẫn đang lẩn trốn bên ngoài.

Đối với những kẻ gieo rắc sự sợ hãi, chúng ta phải đáp trả bằng tình yêu bởi tình yêu là vũ khí mạnh chống lại chủ nghĩa khủng bố. Ông Iyad El-Baghdadi – người từng là một chiến binh khủng bố, giờ đang chống IS mạnh mẽ. Theo ông này, tình yêu là câu trả lời đáng sợ nhất đối với IS, bởi “tình yêu sẽ phá huỷ niềm tin của chúng”. Thay vì chống lại người Hồi giáo như một số lời kêu gọi bất cẩn, thiếu suy nghĩ, việc thế giới đoàn kết, thắt chặt tình bạn với người Hồi giáo sẽ là ác mộng đối với IS, sẽ là đòn “đánh bại IS” nhanh nhất.

Chiến lược của IS là kích động những cuộc tấn công từ phương Tây bởi từ đó chúng mới có thể lôi kéo, tập hợp sự ủng hộ từ những cộng đồng người dân bị ảnh hưởng bởi các chiến dịch đánh bom. “Đánh bom là điều chúng muốn và cái chúng sợ là sự đoàn kết”, một chuyên gia quốc tế từng bị IS bắt giữ đã cho biết như vậy.

Giữa vô vàn những thông điệp yêu thương và ủng hộ từ khắp mọi ngõ ngách trên thế giới gửi đến cho nước Bỉ và người dân Bỉ, hình ảnh một cậu bé trong đám đông những người tị nạn ở Idomeni tại biên giới Hy Lạp – Macedonia – nơi hàng ngàn người chạy khỏi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria, giơ một tờ giấy mang thông điệp: “Xin lỗi Brussels" (ảnh dưới) đã gây xúc động mạnh.

Tình yêu, sự sẻ chia sẽ đánh bại IS nhanh nhất - 3

Từ hình ảnh trên, người ta lại nhớ đến cuộc khủng hoảng nhập cư mà châu Âu đang đối mặt hiện nay. Ác mộng đáng sợ nhất đối với IS là việc các nước châu Âu, trong đó nổi lên là Đức, giang rộng cánh tay đón những người tị nạn Syria. Chính sách này khiến IS khó thực hiện chiến lược tuyên truyền mà chúng ra rả suốt thời gian qua về việc người Hồi giáo nên xây dựng Nhà nước Hồi giáo và rằng người Châu Âu mang tư tưởng phân biệt chủng tộc và bài Hồi giáo. Thực tế này sẽ khiến những nước muốn đóng cửa biên giới, không tiếp nhận những người tị nạn Hồi giáo cần phải suy nghĩ lại.

Theo

Thế giới và Việt Nam