1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thư Brussels: Học cách sống từ những cuộc khủng bố

Khi ở Brussels tôi học được thêm một thái độ sống và một cách sống, trước những biến động chúng ta hãy bình thản sống, chấp nhận lịch sử đã diễn ra. Sự rối loạn của mỗi cá nhân trước cộng đồng, xã hội luôn đem lại những phiền phức và rủi ro.

Một người phụ nữ ở Brussels với thông điệp Hòa bình.
Một người phụ nữ ở Brussels với thông điệp Hòa bình.

Cuối tuần trước, Bỉ đã bố ráp bắt được nghi phạm Abdeslam, thủ tướng Bỉ Charles Michel đã tuyên bố chúng tôi luôn cảnh giác ở mức cao với khủng bố và cuộc chiến còn lâu dài. Khi các vụ nổ diễn ra tại sân bay và ở metro Maelbeek, mọi người không khỏi bàng hoàng vì chúng xảy ra quá nhanh.

Bố mẹ chồng tôi sinh ra và lớn lên ở Brussels, gia đình có nhiều thế hệ ở đây, có tên trong lịch sử của Brussels, nhưng chưa một lần nào diễn ra các sự kiện trên mà họ thể hiện sự lo lắng hay phàn nàn điều gì. Đợt tháng 11 năm trước, khi tăng cường an ninh ở cấp 4, bà ngoại chồng tôi gần 90 tuổi, tự lái xe đi ăn với các cháu buổi trưa như bình thường. Chúng tôi chưa bao giờ sợ hãi khi có chuyện xảy ra. Mọi sinh hoạt trong gia đình không đảo lộn. Chính phủ thông báo không ra đường thì nhân dân ở nhà nghỉ ngơi. Đó là thực tế của những người bản địa ở đây tôi chứng kiến, từ các thế hệ trong gia đình, hàng xóm và các mối trường xung quanh.

Nói thế không có nghĩa mọi người vô cảm. Thái độ và tinh thần Châu Âu như thế, họ luôn chấp nhận lịch sử và thực tế chứ không phải lúc đó họ hối tiếc, dằn lòng hỏi tại sao. Họ xây dựng mọi thứ như hôm nay, trải nghiệm đã tạo cho họ sức mạnh, lòng dũng cảm đương đầu với thách thức.

Có bạn tôi nói rằng, có lẽ tôi quen với chiến tranh ở Việt Nam nên tôi không sợ. Bạn không biết chiến tranh đã qua từ lâu. Còn ở đây, làm sao tôi sợ khi con tôi vẫn ríu rít ở trường học, các thầy cô vui vẻ chào đón như mọi ngày. Sau các vụ khủng bố Paris tháng 11 năm trước, chính phủ vùng nói tiếng Pháp gửi thư cho các trường học, không một nỗi lo lắng hay một sự sợ sệt nào làm náo động tinh thần mọi người. không ai phàn nàn bất cứ điều gì. Họ lặng lẽ tưởng niệm, tham gia các cuộc gặp gỡ ở trung tâm và các quảng trường.

Một chi tiết trong lịch sử: Bỉ là nước có nhiều dân cư Hồi giáo từ Marocco, Thổ Nhĩ Kỳ…trong nhiều thế kỷ. Họ có nhiều thế hệ ở đây và khá thành công. Bản thân xã hội Bỉ là một xã hội tôn trọng tuyệt đối quyền tự do và dân chủ của mỗi cá nhân cũng như các tôn giáo khác nhau nên trong lòng xã hội Bỉ không có nhiều định kiến, phân biệt nặng nề về những khác biệt. Tôi chưa từng thấy người phụ nữ Hồi giáo nào không cười ở trường con tôi học, ở trên đường tôi gặp hàng ngày, ở các trung tâm mua sắm. Và sự thân thiện của nước Bỉ như thế có lẽ tạo ra cánh cửa mà giới truyền thông gọi là sự lơ là khiến các thanh niên theo IS xâm nhập?

Gia đình chúng tôi bình an, nhiều người dân khác bình an nhưng chúng tôi sẽ không nhường bước chống khủng bố, chống cái ác. Không sợ hãi, không lo lắng, bình tĩnh và đoàn kết, đó là thông điệp của Brussels. Khi ở đây tôi học được thêm một thái độ sống và một cách sống, trước những biến động chúng ta hãy bình thản sống, chấp nhận lịch sử đã diễn ra. Sự rối loạn của mỗi cá nhân trước cộng đồng, xã hội luôn đem lại những phiền phức và rủi ro. Khi nào chính phủ yêu cầu và kêu gọi chúng ta đồng lòng chung sức thì chỉ có sự kết hợp tổ chức và cá nhân mới thành công mọi sự. Trong một xã hội luật pháp nghiêm minh không phải cứ hăng hái xông lên, cứ nhiệt tình thiện nguyện thì mới là nhân đạo.

Sự lý trí của Châu Âu cũng như sự bền bỉ của các nền văn minh của họ tạo nên giá trị cốt lõi của họ và họ hiểu tại sao họ cần đón nhận người tị nạn và dân cư Hồi giáo lương thiện, khiến cả thế giới ngạc nhiên và tranh luận. Cái ác chưa bao giờ ngưng với loài người, dù bằng cách này hay cách khác, dù ở nơi này nơi kia, không phân biệt địa lý, giàu nghèo, đẳng cấp.

Chủ nhật, ngày 27 tháng 3, tại Brussels tổ chức cuộc diễu hành với chủ đề Chống sợ hãi để thể hiện thái độ với bọn khủng bố. Mùa Phục sinh năm nay thật buồn cho những mất mát của các nạn nhân và gia đình họ. Nhưng chúng tôi không khóc nữa, trái tim Châu Âu.

Theo Như Quỳnh De Prelle (từ Brussels, Vương quốc Bỉ)

Lao Động