Tình trạng của ông chủ Telegram sau khi bị bắt ở Pháp
(Dân trí) - Nhà sáng lập Telegram Pavel Durov vẫn bị cảnh sát Pháp tạm giữ sau khi bị bắt ở sân bay Paris vào cuối tuần trước.
"Cảnh sát vẫn tiếp tục tạm giữ vào ngày 26/8 và quá trình này có thể kéo dài tới 4 ngày", kênh tin tức địa phương Franceinfo đưa tin.
AFP hôm nay 26/8 cho biết, các cơ quan tư pháp Pháp đã ra phán quyết gia hạn thời hạn giam giữ đối với nhà sáng lập ứng dụng nhắn tin Telegram Pavel Durov.
Theo AFP, thời gian tạm giữ ban đầu để thẩm vấn có thể kéo dài tới 96 giờ.
Văn phòng Công tố Paris dự kiến sẽ ra thông cáo về quyết định bắt giữ ông Durov vào ngày 26/8, trước khi nhà sáng lập Telegram ra hầu tòa trong những ngày tới.
Giới chức Pháp bắt giữ ông Durov tại sân bay Paris-Le Bourget khi máy bay riêng chở nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Telegram từ Azerbaijan đáp xuống Paris hôm 24/8.
Theo truyền thông Pháp, các công tố viên ở Paris có kế hoạch buộc tội người đàn ông 39 tuổi này về tội đồng lõa trong buôn bán ma túy, tội ấu dâm và lừa đảo. Giới chức trách Pháp cho rằng việc Telegram không đủ khả năng kiểm duyệt nội dung, các công cụ mã hóa mạnh mẽ và thiếu hợp tác với cảnh sát đã cho phép tội phạm phát triển mạnh trên ứng dụng.
Telegram có trụ sở chính tại Dubai, mặc dù công ty đã chỉ định một đại diện pháp lý tại Bỉ để quản lý việc tuân thủ luật pháp Liên minh châu Âu (EU). Telegram cũng đã tuân thủ các lệnh trừng phạt chống Nga của khối bằng cách chặn quyền truy cập vào các cơ quan báo chí của Nga.
Tuy nhiên, ông Durov liên tục từ chối giao dữ liệu người dùng cho các cơ quan thực thi pháp luật hoặc thiết lập cái gọi là "cửa sau" để các cơ quan này có thể giám sát các cuộc trò chuyện trên ứng dụng.
Một cựu phát ngôn viên của ông Durov hôm qua nói, chính quyền Pháp có thể đã thay mặt Mỹ thực hiện vụ bắt giữ, sau khi nhà sáng lập Telegram công khai cáo buộc các cơ quan tình báo Mỹ gây áp lực buộc ông phải cấp cho họ quyền truy cập vào dữ liệu người dùng Telegram.
Telegram khẳng định, ông Durov không phải chịu trách nhiệm cho việc nền tảng này bị lạm dụng.
"Ông Pavel Durov không có gì phải che giấu và thường xuyên đi lại ở châu Âu. Thật vô lý khi tuyên bố một nền tảng hoặc chủ sở hữu của nó phải chịu trách nhiệm về việc lạm dụng nền tảng đó", Telegram tuyên bố.
Ngoài ra, Telegram cũng bác bỏ cáo buộc công ty này không tuân thủ luật pháp EU, khẳng định các chính sách kiểm duyệt nội dung của họ "phù hợp với các tiêu chuẩn của ngành.
Pavel Durov sinh ra tại St. Petersburg, Nga. Doanh nhân này hiện mang quốc tịch Nga, Pháp, UAE, Saint Kitts và Nevis.
Ông lập ra nền tảng Telegram vào năm 2013. Đây là một trong những nền tảng truyền thông xã hội lớn sau Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok và Wechat. Nền tảng này đặt mục tiêu đạt một tỷ người dùng trong năm tới.
Telegram được xếp hạng là một trong những nền tảng truyền thông xã hội lớn sau Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok và Wechat. Nền tảng này đặt mục tiêu đạt một tỷ người dùng trong năm tới.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm 2022, Telegram đã trở thành nền tảng chính để cả Nga và Ukraine đưa tin về chiến sự và tình hình chính trị liên quan tới cuộc xung đột.
Ứng dụng này đã trở thành phương tiện truyền thông được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các quan chức trong chính quyền của ông ưa chuộng. Điện Kremlin và chính phủ Nga cũng sử dụng ứng dụng này để tuyên truyền thông tin của Nga. Ứng dụng này cũng là một trong số ít nền tảng mà người Nga có thể truy cập tin tức về cuộc chiến tại Ukraine.
Durov, người có tài sản được Forbes ước tính khoảng 15,5 tỷ USD, cho biết một số chính phủ đã tìm cách gây áp lực với ông, nhưng ứng dụng Telegram, hiện có 900 triệu người dùng hoạt động, vẫn là một "nền tảng trung lập" chứ không phải là "một bên tham gia vào địa chính trị".