1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga ra yêu cầu khẩn với Pháp sau vụ bắt nhà sáng lập Telegram

Thành Đạt

(Dân trí) - Đại sứ quán Nga tại Paris đã chuyển một công hàm tới Bộ Ngoại giao Pháp, yêu cầu được tiếp cận lãnh sự với nhà sáng lập Telegram Pavel Durov.

Nga ra yêu cầu khẩn với Pháp sau vụ bắt nhà sáng lập Telegram - 1

Nhà sáng lập Telegram Pavel Durov (Ảnh: Telegram/SCMP).

"Ngay sau khi biết thông tin về vụ bắt giữ, đại sứ quán của chúng tôi tại Paris đã liên lạc với chính quyền địa phương và gửi một công hàm tới Bộ Ngoại giao Pháp yêu cầu được tiếp cận với ông ấy", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Rossiya-24 hôm 25/8.

"Vấn đề là Pavel Dorov có quốc tịch Pháp. Do vậy, đối với Paris, Pháp, ông ấy cũng là công dân của quốc gia này", bà Zakharova nói thêm.

Đại sứ quán Nga tại Pháp cho biết họ đã yêu cầu chính quyền Pháp tôn trọng các quyền của Durov nhưng Paris đang né tránh hợp tác về vấn đề này. Một nhà ngoại giao cấp cao tiết lộ, đại sứ quán Nga đã nhanh chóng yêu cầu chính quyền Pháp giải thích lý do bắt giữ nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Telegram.

"Chúng tôi đã ngay lập tức yêu cầu chính quyền Pháp giải thích lý do giam giữ và yêu cầu bảo vệ quyền của ông ấy và cấp quyền tiếp cận lãnh sự. Cho đến nay, phía Pháp vẫn từ chối hợp tác về vấn đề này", đại sứ quán Nga nói thêm.

Theo bà Zakharova, ở thời điểm này, các luật sư của Durov phải xây dựng một chiến lược bào chữa. "Chúng tôi có luật pháp của mình và chúng tôi sẽ sử dụng chúng trong trường hợp này cũng như trong các trường hợp khác", bà nói thêm.

Nhà lập pháp Nga Maria Butina nhận định vụ bắt giữ Pavel Durov, một tỷ phú người Nga, là nạn nhân của cuộc săn phù thủy do phương Tây tiến hành.

"Pavel Durov là một tù nhân chính trị, nạn nhân trong cuộc săn lùng phù thủy của phương Tây. Vụ bắt giữ Pavel Durov có nghĩa là không có quyền tự do ngôn luận - điều đó có nghĩa là quyền tự do ngôn luận ở châu Âu đã chết", bà Butina, người từng bị kết án 15 tháng tù ở Mỹ với cáo buộc là đặc vụ không đăng ký của Nga, cho biết.

Bà Butina tin rằng Durov đã bị bắt trong một nỗ lực của phương Tây nhằm giành quyền kiểm soát Telegram.

"Bây giờ về cơ bản, họ có một con tin và họ sẽ cố gắng tống tiền nước Nga, họ sẽ cố gắng tống tiền tất cả người dùng Telegram và không chỉ cố gắng giành quyền kiểm soát mà còn cố gắng chặn mạng lưới này ở Nga", nhà lập pháp Nga cảnh báo.

Phó Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vladislav Davankov cũng kêu gọi Paris thả Durov. Ông cảnh báo vụ bắt giữ doanh nhân công nghệ này "có thể mang động cơ chính trị và được sử dụng để tiếp cận thông tin cá nhân của người dùng Telegram", điều mà Moscow không thể cho phép.

Theo truyền thông Pháp, Pavel Durov, một doanh nhân công nghệ người Nga, đồng thời cũng có quốc tịch Pháp, UAE và Saint Kitts và Nevis, đã bị bắt giữ sau khi hạ cánh xuống sân bay Paris-Le Bourget vào ngày 24/7 và sẽ phải ra hầu tòa vào tối 25/8.

Chính quyền Pháp được cho là đã ban hành lệnh bắt giữ Durov, với lý do nền tảng của ông không được kiểm duyệt đầy đủ khiến Telegram bị tội phạm sử dụng rộng rãi.

Truyền thông Pháp đưa tin, Durov có thể bị buộc tội đồng phạm với hành vi khủng bố, buôn bán ma túy, gian lận và ấu dâm. Nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Telegram có thể đối mặt với mức án 20 năm tù.

Quan chức nhân quyền Nga Tatiana Moskalkova nhận định, "lý do thực sự khiến Pavel Durov bị bắt là nỗ lực nhằm đóng cửa Telegram như một nguồn thông tin trên internet, nơi mọi người có thể tìm hiểu sự thật về các sự kiện thế giới".

Pavel Durov, 39 tuổi, sinh ra tại St. Petersburg, Nga. Năm 2006, ông thành lập nền tảng truyền thông xã hội VK, thường được mô tả là "Facebook của Nga". Năm 2013, ông ra mắt Telegram.

Telegram được xếp hạng là một trong những nền tảng truyền thông xã hội lớn sau Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok và Wechat. Nền tảng này đặt mục tiêu đạt một tỷ người dùng trong năm tới.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm 2022, Telegram đã trở thành nền tảng chính để cả Nga và Ukraine đưa tin về chiến sự và tình hình chính trị liên quan tới cuộc xung đột.

Ứng dụng này đã trở thành phương tiện truyền thông được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các quan chức trong chính quyền của ông ưa chuộng. Điện Kremlin và chính phủ Nga cũng sử dụng ứng dụng này để tuyên truyền thông tin của Nga. Ứng dụng này cũng là một trong số ít nền tảng mà người Nga có thể truy cập tin tức về cuộc chiến tại Ukraine.

Durov, người có tài sản được Forbes ước tính khoảng 15,5 tỷ USD, cho biết một số chính phủ đã tìm cách gây áp lực với ông, nhưng ứng dụng Telegram, hiện có 900 triệu người dùng hoạt động, vẫn là một "nền tảng trung lập" chứ không phải là "một bên tham gia vào địa chính trị".

Theo Tass