1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tính toán của Trung Quốc khi lập tập đoàn đất hiếm quy mô như "tàu sân bay"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trung Quốc lập tập đoàn đất hiếm được mô tả có quy mô lớn như "tàu sân bay", nhằm giúp Bắc Kinh duy trì thế thống trị với nguyên liệu quan trọng khi cạnh tranh với Mỹ ngày càng nóng lên.

Tính toán của Trung Quốc khi lập tập đoàn đất hiếm quy mô như tàu sân bay - 1

Trung Quốc vẫn đang là quốc gia nắm thế thống trị với thị trường đất hiếm toàn cầu, nhưng thị phần của họ đang giảm đi trong những năm qua (Ảnh: AP).

Nikkei đưa tin, Trung Quốc ngày 23/12 công bố hợp nhất 3 công ty khai thác đất hiếm thành một tập đoàn nhằm kiểm soát phần lớn sản lượng đất hiếm nội địa.

Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc (CREG) được lập nên từ 3 đơn vị chuyên khai thác đất hiếm thuộc Tập đoàn Nhôm Trung Quốc, China Minmetals và Tập đoàn Đất hiếm Cán Châu. 

Ngay trước đó, 2 "ông lớn" khác trong ngành đất hiếm Trung Quốc là China Northern Rare Earth và China Rare Earth Holdings cũng thông báo hợp tác chiến lược.

Theo Nikkei, Trung Quốc hiện đang siết chặt kiểm soát với chuỗi cung ứng đất hiếm của nước này nhằm chuẩn bị cho căng thẳng kéo dài với Mỹ. Đây là nguyên liệu thiết yếu cho hàng loạt các sản phẩm công nghệ cao.

CREG sẽ trở thành một trong 100 công ty trung ương do Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước (SASAC) thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc trực tiếp giám sát. SASAC chiếm 31% cổ phần, trong khi 3 công ty con thành lập nên CREG mỗi bên chiếm 20%.

Truyền thông Trung Quốc so sánh vụ hợp nhất này có quy mô lớn như "tàu sân bay" khi nó sẽ chiếm gần 40% sản lượng đất hiếm tổng thể của Trung Quốc, và 70% hạn ngạch sản xuất đất hiếm vừa và nặng của Trung Quốc.

Theo thống kê của Mỹ, Trung Quốc hiện chiếm 60% sản lượng đất hiếm toàn cầu. Năm 2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng gọi vật liệu này là "tài nguyên chiến lược quan trọng".

Các nhà phân tích nhận định, động thái của Trung Quốc có thể giúp nước này đối phó với những thách thức bên ngoài trong tương lai, bao gồm cả căng thẳng thương mại với Mỹ.

Các chuyên gia tin rằng, việc hợp nhất sẽ giúp Trung Quốc duy trì năng lực cạnh tranh toàn cầu và trở thành "lá bài" của Trung Quốc trong xung đột với Mỹ.

Đất hiếm là một trong những nguyên liệu mà Trung Quốc đang thống trị thị thường, trái ngược hẳn với việc nước này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu từ Trung Đông và quặng sắt từ Australia. Cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng so sánh việc Trung Quốc kiểm soát đất hiếm với sự thống trị nguồn cung dầu thô của Trung Đông.

"Xét đến căng thẳng địa chính trị toàn cầu và sự cạnh tranh gia tăng về nguồn lực, một động thái như vậy sẽ tăng cường khả năng kiểm soát trong nước", nhà phân tích Yan Yulu bình luận về quyết định của Trung Quốc.

Trên quy mô quốc tế, sự thống trị của Trung Quốc với thị trường đất hiếm đã suy yếu đi trong vài năm qua. Thị phần của Trung Quốc trong sản lượng toàn cầu đã giảm từ 86% trong năm 2014 xuống còn 58,3% vào năm ngoái, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ.

Một số nhân vật có quan điểm cứng rắn ở Trung Quốc từng kêu gọi Bắc Kinh "vũ khí hóa" đất hiếm sau khi cuộc thương chiến với Mỹ nổ ra năm 2018. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, Trung Quốc nên cẩn thận, không nên sử dụng "lá bài" đất hiếm quá tay vì nó có thể gây nên hiệu ứng ngược.

Hiện Mỹ đang thúc đẩy chuỗi cung ứng các nguyên liệu quan trọng với các đồng minh và đối tác toàn cầu để giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, trong đó có mặt hàng đất hiếm.