1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tình tiết mới vụ máy bay MH17 bị bắn rơi

(Dân trí) - Các nhà điều tra Hà Lan cho rằng, tên lửa bắn rơi máy bay chở khách MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã bay quá nhanh khiến radar của Nga không thể phát hiện được, hãng tin TASS cho biết.


Mảnh vỡ máy bay MH17 tại hiện trường (Ảnh: RFE/RL)

Mảnh vỡ máy bay MH17 tại hiện trường (Ảnh: RFE/RL)

Theo TASS, các công tố viên Hà Lan hôm qua cho biết, các nhà điều tra vụ máy bay MH17 đã đi đến kết luận rằng tên lửa bắn trúng máy bay này đã bay quá nhanh khiến hệ thống radar dân sự của Nga không thể phát hiện.

"Vận tốc của tên lửa này lớn hơn nhiều so với vận tốc của máy bay dân dụng. Trong khi đó, theo quy tắc thiết kế các trạm radar dân sự, những vật thể có tốc độ cao như vậy không xuất hiện trên màn hình. Điều này để tránh việc nhiễu loạn", các công tố viên Hà Lan dẫn kết luận của nhóm điều tra quốc tế.

Máy bay Boeing 777 mang số hiệu chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi ở miền đông Ukraine vào ngày 17/7/2014. Vụ việc khiến toàn bộ 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn đến từ 10 quốc gia khác nhau thiệt mạng, trong đó có tới 196 nạn nhân mang quốc tịch Hà Lan.

Một nhóm điều tra quốc tế (JIT) bao gồm các chuyên gia từ Hà Lan, Australia, Bỉ, Ukraine và Malaysia đã được thành lập để điều tra vụ bắn rơi máy bay. Hồi tháng 9/2016, JIT đã đưa ra một báo cáo kết luận rằng máy bay bị bắn rơi bởi một tên lửa phóng đi từ hệ thống phòng không Buk đặt gần thị trấn Pervomaiskoye, phía nam Snezhnoye ở miền đông Ukraine do các nhóm ly khai kiểm soát. Các nhà điều tra cũng cho rằng, đây là hệ thống phòng không do Nga sản xuất và cung cấp cho phe ly khai Ukraine. Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ cáo buộc này.

Dựa trên phân tích dữ liệu ban đầu của radar, Nga bác bỏ kết luận cho rằng tên lửa bắn rơi MH17 xuất phát từ phía đông hiện trường, nghĩa là bao gồm cả Snezhnoye. Nga cũng nhiều lần chỉ trích việc nhóm điều tra phớt lờ các dữ liệu radar của Nga.

Về phần mình, nhà sản xuất vũ khí của Nga Almaz-Antey, đơn vị thiết kế hệ thống tên lửa Buk, cũng phản bác kết luận của nhóm điều tra.

"Nếu một tên lửa Buk được phóng đi từ khu vực như JIT nói thì nó sẽ có vận tốc khoảng 600-620m/s khi ở khu vực chạm mục tiêu MH17 và hoàn toàn nằm trong tầm ghi nhận dữ liệu của hệ thống radar. Do vậy, nó hoàn toàn có thể bị bắt tín hiệu bởi hệ thống radar Utyos-T của Nga”, Almaz-Antey cho biết.

Minh Phương

Theo TASS