1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tình báo Hàn Quốc bị "soi" vì tung tin Triều Tiên xử tử Bộ trưởng quốc phòng

(Dân trí) - Thông tin Triều Tiên đã thanh trừng bộ trưởng quốc phòng nước này bằng súng phòng không do Cơ quan tình báo Hàn Quốc công bố đang bị đặt trước nhiều nghi vấn về tính xác thực của nó.

Tình báo Hàn Quốc bị soi vì tung tin Triều Tiên xử tử Bộ trưởng quốc phòng

Ông Hyon Yong Chol (phải) không xuất hiện cùng lãnh đạo Kim Jong-un (trái) trên mọi phương tiện truyền thông Triều Tiên từ 29/4. (Ảnh: AFP)

Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) có trách nhiệm cực kỳ khó khăn: thâm nhập vào Triều Tiên, một trong những quốc gia khép kín và thù địch nhất thế giới, và tìm hiểu những gì đang xảy ra trong bộ máy quyền lực nước này.

Năm 2013, cơ quan này đã tiết lộ chính xác về việc Jang Song Thaek, chú của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và người có quyền lực thứ hai tại Triều Tiên, đã bị thanh trừng. Tuy nhiên, cơ quan này đã không tìm hiểu được cái chết của cố lãnh đạo Kim Jong-il năm 2011.

Tuyên bố gần đây nhất của cơ quan này là Hyon Yong Chol đã bị loại khỏi ghế bộ trưởng quốc phòng Triều Tiên. Tuy nhiên, cơ quan này không công khai tiết lộ các chứng cứ cụ thể, cũng như nói không chắc chắn lắm về việc ông này đã bị tử xử hay chưa.

NIS cho biết có tin tức tình báo về vụ tử hình, nhưng nói rằng chưa hề có tuyên bố xác nhận nào từ phía Bình Nhưỡng, và đoạn phim lưu trữ cho thấy ông Hyon vẫn xuất hiện trên kênh truyền hình quốc gia Triều Tiên. Tuy nhiên, theo Business Insider, những người bị loại khỏi chính phủ Bình Nhưỡng cũng sẽ thường biến mất khỏi các kênh truyền thông, mặc dù không nhất thiết phải ngay lập tức.

Ông Hyon, vốn thường xuất hiện bên cạnh lãnh đạo Kim Jong-un trong các sự kiện công khai, đã biến mất trên mọi phương tiện truyền thông chính thức của Triều Tiên từ ngày 29/4, khoảng thời gian mà NIS cho là ông bị tử hình.

“Tôi nghĩ sự thật còn quá sớm để được làm sáng tỏ. NIS đang chơi một bán bài lớn đầy mạo hiểm”, ông Choeng Soeng-chang, nhà nghiên cứu Triều Tiên thuộc viện Sejong (Hàn Quốc), nhận xét.

“Nếu NIS sai lầm, thì đó sẽ là một nỗi xấu hổ lớn và nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu thập thông tin của họ”, ông cho biết thêm.
 
Trong tuần qua, để chứng minh cho tuyên bố của mình, NIS đã công khai 11 trang tài liệu của một nhóm nhà báo, mặc dù không tiết lộ nguồn gốc của tài liệu này.

“Khi nói về vụ xử tử, họ có bằng chứng đáng tin cậy”, ông Kim Kwang-jin, một nhà làm luật đối lập đã lên tiếng ủng hộ NIS hôm 13/5.
 
“Mặc dù không phải là video hay hình ảnh, nhưng NIS có vẻ rất chắc chắn. Nhưng do dư luận đang trở nên gay gắt, họ có vẻ không còn tự tin lắm”, ông nói.

Độ tin cậy của các cơ quan tình báo Hàn Quốc đã tụt dốc sau những vụ bê bối chính trị và lịch sử hoạt động không được trong sạch. Một cựu giám đốc của NIS vừa bị kết án 3 năm tù hồi tháng 2/ 2015 vì tội can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống 2012.

Một số nhà phân tích cho rằng cơ quan này không nên công bố về vấn đề nhạy cảm như vụ thanh trừng ông Hyon nếu chưa hoàn toàn chắc chắn.

“Theo kinh nghiệm của tôi, khi triệu tập quốc hội và đưa ra một vấn đề về Triều Tiên, NIS đã phải kiểm tra chéo nhiều lần với đủ mọi phương pháp có thể, như tình báo con người và tình báo công nghệ”, ông Jun Ok-huyn, tổng lãnh sự tại Hồng Kông nhiệm kỳ 2010-2012, từng làm việc tại NIS và nghỉ hưu năm 2009, cho biết.

 “Nhưng vì Triều Tiên là một quốc gia khép kín và khó tiếp cận, các đặc vụ tình báo Hàn Quốc chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều tranh luận khi công bố các kết luận tình báo”, ông nói.

Nghi Phương
Theo Business Insider