Tin tưởng vào tương lai đất nước "Triệu Voi"
Trong suốt 60 năm trưởng thành và phát triển (22/3/1955 - 22/3/2015), Đảng Nhân dân Cách mạng (NDCM) Lào đã dẫn dắt nhân dân các dân tộc Lào giành được những thành tựu vô cùng to lớn trong công cuộc giải phóng, xây dựng và phát triển đất nước.
Quay trở lại lịch sử, vào năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời là tiền thân của Đảng NDCM Lào ra đời, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ba nước Đông Dương.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, cuộc cách mạng tại Lào đã phát triển mạnh mẽ dẫn đến cuộc nổi dậy giành chính quyền vào ngày 23/8/1945 và buộc Nhà vua Sivavangvong phải thoái vị vào ngày 11/10/1945.
Ngày 12/10/1945 đã trở thành một ngày lịch sử của Lào khi Chính phủ cách mạng lâm thời Lào ra mắt nhân dân ở thủ đô Viêng Chăn, tuyên bố trước toàn thể nhân dân Lào và thế giới nước Lào đã trở thành một nước độc lập và tự do.
Sau khi Lào tuyên bố độc lập, được sự tiếp sức của Mỹ, Anh, thực dân Pháp đã quay trở lại xâm chiếm Lào, Việt Nam và Campuchia.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp đã nổ ra trên khắp đất nước Lào, các đội du kích nhanh chóng được tập hợp thành quân đội chính quy, giải phóng được một số vùng rộng lớn làm căn cứ địa cách mạng.
Trước tình hình phong trào cách mạng ở ba nước Đông Dương và tình hình quốc tế có nhiều chuyển biến lớn, tháng 2/1951, Đảng Cộng sản Đông Dương họp Đại hội lần II. Đại hội quyết định tổ chức mỗi nước một đảng riêng để lãnh đạo cách mạng và giao cho đồng chí Cayson Phomvihan cùng một số đồng chí khác chuẩn bị thành lập Đảng Nhân dân Lào.
Sau vài năm chuẩn bị, Đảng Nhân dân Lào, ngày nay là Đảng NDCM Lào đã chính thức ra đời vào ngày 22/3/1955, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Cayson Phomvihan, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Lào.
Trải qua 60 năm trưởng thành và phát triển, Đảng NDCM Lào đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc Lào giành những thắng lợi vang dội, giải phóng hoàn toàn đất nước khỏi chủ nghĩa đế quốc, lật đổ chế độ quân chủ lập hiến và thành lập nên nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Lào vào ngày 2/12/1975, khắc vào lịch sử dân tộc Lào mốc son chói lọi, mở ra một thời đại mới cho dân tộc Lào, thời đại dân tộc Lào làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình, thẳng tiến lên con đường của Chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng NDCM Lào quang vinh.
Sau giải phóng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nhà nước Lào non trẻ là tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống của nhân dân. Để làm được điều này, Đảng NDCM Lào đã nhanh chóng đề ra nhiều biện pháp mà nổi bật là các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo giai đoạn 3 năm (1978-1980) và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1981-1985).
Việc thực hiện thành công các kế hoạch kinh tế này đã tạo được lòng tin cho nhân dân, tạo tiền đề để Đảng NDCM Lào tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện mà Đại hội lần thứ IV (1986) của Đảng NDCM Lào đã đề ra nhằm đưa đất nước tiến nhanh hơn, dần hòa nhịp vào sự phát triển của khu vực và thế giới.
Một góc thủ đô Viêng Chăn (Ảnh: Hà Linh)
Đến nay, khi sắp đến thời điểm kết thúc kế hoạch kinh tế - xã hội lần thứ 7 (2011-2015), kinh tế Lào đã có những bước phát triển ngoạn mục, nếu giai đoạn 1986-1990 Lào chỉ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế là 4,8%/năm, thì giai đoạn 2006-2014 đã luôn duy trì ở mức khoảng gần 8%/năm. Thu nhập bình quân đầu người cũng không ngừng tăng khi năm 1985 mới chỉ ở mức 114 USD/người thì năm 2014 đã là 1.692 USD/người.
Có được sự thành công kể trên trước hết là nhờ Đảng NDCM Lào đã luôn quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, kinh tế cũng như nông thôn, đồng thời cũng luôn chăm lo đến đời sống tinh thần cũng như sức khỏe của nhân dân.
Theo đó, nếu như trước giải phóng, hệ thống y tế của Lào chỉ phát triển tới một vài thành phố và thị xã lớn, thì nay hệ thống y tế đã phát triển về tới cụm bản. Hệ thống giáo dục phát triển liên tục kể cả về chất và về lượng.
Năm học 2013-2014, Lào có tới 115.523 sinh viên theo học ở các trường đại học và cao đẳng trên khắp cả nước. Về nông nghiệp, từ một nước phải nhập khẩu gạo, trong những năm gần đây, Lào không những đủ gạo để cung cấp cho nhu cầu trong nước, mà bắt đầu có dư để xuất khẩu…
Những thành tựu về chính trị, kinh tế và xã hội nói trên đã góp phần làm cho bộ mặt của đất nước Lào thay đổi nhanh chóng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, uy tín quốc tế của đất nước không ngừng được nâng cao, tạo cơ sở vững chắc để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nước kém phát triển vào năm 2020 đúng như Nghị quyết mà Đại hội Đảng lần thứ IX của Đảng NDCM Lào đã đề ra.
Với trên 2.000 km biên giới tiếp giáp với nhau, Việt Nam và Lào từ lâu đã có quan hệ gắn bó hữu nghị truyền thống, luôn tương trợ lẫn nhau trên tinh thần “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”.
Trong những năm qua, quan hệ hữu nghị đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào-Việt Nam; Việt Nam-Lào vẫn tiếp tục không ngừng được củng cố và phát triển, đó là tài sản vô giá cần được bảo vệ, duy trì và phát huy.
Là những người Việt Nam, chúng ta vui mừng và tự hào trước những thành tựu to lớn của Đảng NDCM Lào đã đạt được trong suốt 60 năm qua, tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng NDCM Lào, đất nước Lào anh em sẽ tiếp tục giành được những thắng lợi to lớn trên các mặt trận chính trị, kinh tế và xã hội, sớm đưa khỏi tình trạng kém phát triển, tạo tiền đề vững chắc cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội IX của Đảng NDCM Lào, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X vào năm 2016; xây dựng thành công nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và phồn vinh, theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa.
Theo Phạm Kiên (TTXVN)/baotintuc.vn