1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Tín hiệu ngoặt của ngoại giao Mỹ?

Hướng ngoại giao của Mỹ có tín hiệu rẽ ngoặt. Nó xuất hiện trong bài diễn văn của Ngoại trưởng Mỹ Rice đọc tại Đại học Georgetown hôm thứ tư tuần qua, hiện đang được giới ngoại giao quốc tế chú ý theo dõi và phân tích.

Bước ngoặt là liệu Mỹ sẽ chuyển hướng quan tâm từ châu Âu sang các nước châu Á và châu Phi, các nước đang phát triển, có tiềm năng là điểm nóng và là đối thủ, đối tác kinh tế tiềm năng.

 

Trong bài diễn văn, bà Rice hé việc chuyển các nhà ngoại giao Mỹ hoạt động tại châu Âu sang những nước như Trung Quốc hay Nigeria. Việc rút bớt các nhà ngoại giao khỏi châu Âu đang gây ra các mối quan tâm trái ngược. Bà Rice nói Mỹ cần tái bố trí lực lượng ngoại giao và gọi đó là “nền ngoại giao chuyển hóa”, tức là chuyển trọng tâm các vấn đề nghiên cứu của Bộ Ngoại giao Mỹ và phương pháp làm việc của họ.

 

Theo kế hoạch này, khoảng 100 nhân viên ngoại giao Mỹ sẽ được điều động từ Mỹ và châu Âu sang châu Á, Trung Đông và châu Phi. Trong năm năm tới, dự báo sẽ có thêm vài trăm người được thuyên chuyển sang khu vực này.

 

Sự luân chuyển lần này được cho là mạnh mẽ. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng lẽ ra phải chuyển từ lâu. Bởi nhiều dấu chân ngoại giao của Mỹ hiện vẫn theo cách cũ, như một di sản từ cuộc Chiến tranh Lạnh.

 

Đáng chú ý, nhân viên sứ quán Mỹ tại Nga và Đức sẽ cắt giảm nhiều. Bà Rice cho rằng chưa hợp lý khi nhân viên sứ quán Mỹ tại Đức (nước có số dân 82 triệu) đông ngang với số nhân viên sứ quán Mỹ tại Trung Quốc (nước có hơn một tỷ dân).

 

Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ chú ý tuyển và đào tạo các nhân viên sử dụng tiếng Hoa, Ảrập, Ba Tư…và  sẽ phân bổ nhân sự nhiều hơn tới các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Nigeria và các nước đang phát triển quan trọng khác.

 

Việc tái bố trí nhân viên ngoại giao được so sánh với kế hoạch tái điều động quân đội trên toàn cầu của Lầu Năm Góc, cho thấy những mảng riêng trong bức tranh cơ cấu lại lực lượng Mỹ, phục vụ chiến lược toàn cầu.

 

Một số nhà quan sát cho rằng Mỹ sẽ chú ý nhiều hơn các nước đang phát triển, nhất là ở châu Á, và có vẻ đang muốn mở ra phong cách ngoại giao chủ động nhắm đến việc hợp tác nhiều hơn để tạo nên những thay đổi.

 

Theo L.P.D

Thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm