1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tín hiệu đáng lo ngại với ông Trump từ vụ FBI khám xét nhà riêng

Minh Phương

(Dân trí) - Cuộc khám xét của FBI viện dẫn những căn cứ cho thấy cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đối mặt với trách nhiệm hình sự.

Tín hiệu đáng lo ngại với ông Trump từ vụ FBI khám xét nhà riêng - 1

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Getty)

Dư luận ở Mỹ những ngày qua đặc biệt quan tâm đến ồn ào xung quanh vụ FBI khám xét nhà riêng của cựu Tổng thống Donald Trump ở Palm Beach, Florida.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, trong cuộc khám xét ngày 8/8, các đặc vụ FBI đã thu giữ nhiều tài liệu mật tại dinh thự Mar-a-Lago của gia đình ông Trump và đang điều tra khả năng vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ vi phạm Đạo luật gián điệp. Đây là đạo luật liên bang cấm sở hữu hoặc truyền tải các thông tin liên quan tới quốc phòng.

Chuyên gia chỉ ra một số lý do có thể khiến ông Trump lo ngại về cuộc khám xét của FBI.

Thứ nhất, việc Bộ Tư pháp Mỹ công khai hoạt động khám xét nhà riêng của cựu Tổng thống Trump cho thấy nguy cơ ông bị cáo buộc hình sự là rất lớn. Lệnh khám xét được đưa ra dựa trên cơ sở rằng việc ông Trump đưa lượng lớn tài liệu của chính phủ đến Mar-a-Lago đã vi phạm điều khoản luật hình sự liên quan đến xử lý tài liệu tổng thống. Điều luật này cấm mọi hành động cố tình giấu giếm hoặc tiêu hủy các tài liệu của chính phủ Mỹ. Khung hình phạt tối đa cho sai phạm này là 3 năm tù.

Thứ hai, lệnh khám xét cũng dựa trên cơ sở nghi vấn ông Trump có thể vi phạm Đạo luật gián điệp. Hình phạt tối đa cho sai phạm này là 10 năm tù. Một người có thể bị kết án theo đạo luật này nếu như cố tình giữ lại hoặc không cung cấp thông tin liên quan đến quốc phòng theo yêu cầu của quan chức liên bang có quyền tiếp nhận thông tin đó.

Tín hiệu đáng lo ngại với ông Trump từ vụ FBI khám xét nhà riêng - 2

Cảnh sát bên ngoài dinh thự Mar-a-Lago của gia đình ông Trump (Ảnh: AFP).

Các đặc vụ FBI đã thu giữ 11 thùng tài liệu mật trong cuộc khám xét dinh thự Mar-a-Lago đầu tuần trước. Tài liệu được đánh dấu là "bí mật" dựa trên đánh giá rằng việc rò rỉ thông tin có thể "gây tổn hại nghiêm trọng cho an ninh quốc gia".

Mặc dù Đạo luật gián điệp không quy định những thông tin liên quan đến quốc phòng là tài liệu mật, nhưng nếu tài liệu thu giữ ở Mar-a-Lago có thông tin liên quan tới quốc phòng, sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Đạo luật gián điệp kể cả khi ông Trump đã giải mật các văn bản này trước khi mãn nhiệm.

Cuối cùng, ông Trump có thể đối mặt với nguy cơ bị buộc tội cản trở cuộc điều tra liên bang với việc che giấu tài liệu liên quan đến cuộc điều tra đó. Khung hình phạt tối đa cho tội danh này là 20 năm tù.

Đến nay, ông Trump tiếp tục bác bỏ các cáo buộc và cho rằng cuộc điều tra của Bộ Tư pháp "mang động cơ chính trị". Ông nói rằng, người Mỹ đang giận dữ sau vụ khám xét "chưa từng có tiền lệ" của FBI. "Đất nước đang ở trong tình thế rất nguy hiểm. Người dân đang rất giận dữ, điều tôi chưa từng thấy trước đây, về tất cả những trò gian lận. Nếu tôi có thể làm bất cứ điều gì có ích, tôi và người của tôi chắc chắn sẵn sàng làm. Nếu không, điều tồi tệ sẽ xảy ra", ông bình luận với Fox News hôm 15/8.

Trong khi đó, giới chức trách Mỹ cũng không công khai danh mục tài liệu lấy đi từ dinh thự riêng của ông Trump.

Các tài liệu mà FBI tìm thấy trong cuộc khám xét tuần qua không phải những văn bản mật đầu tiên mà giới chức Mỹ tìm thấy ở Mar-a-Lago. Hồi tháng 5, Cục Lưu trữ Quốc gia tìm thấy văn bản đóng dấu mật trong các thùng tài liệu mà cơ quan này thu hồi từ khu nghỉ dưỡng của gia đình ông Trump. Thời điểm đó, một trợ lý của ông Trump nói rằng, toàn bộ tài liệu đã được giải mật ngay trước khi ông hết nhiệm kỳ nhưng dấu mật chưa được xóa đi. Tuy nhiên, ông Trump cũng như các luật sư của ông không nói rõ các tài liệu được giải mật như thế nào.

Theo New York Times, CBS