Tìm thấy “Mật mã Da Vinci” thật ở nhà thờ Edinburgh
(Dân trí) - Giống như cốt truyện “Mật mã Da Vinci”, một nhóm các nhà nghiên cứu tuyên bố đã tìm thấy bản nhạc ẩn chứa bên trong những đường nét trạm trổ 500 năm trước tại nhà thờ mà tác giả Dan Brown lấy làm bối cảnh cho cuốn sách ăn khách của mình.
Nhóm nghiên cứu là cha con Thomas và Stuart Mitchell. Họ cho biết đã giải mã được các ký hiệu âm nhạc ẩn chứa bên trong những khối hình bằng đá trên tường, để đỡ trần nhà thờ Rosslyn ở làng Roslin, gần Edinburgh.
“Lúc phá được mật mã là giây phút hạnh phúc thực sự. Thể như chúng tôi được quá khứ trao cho một đĩa nhạc compact vậy”, Stuart Mitchell, 44 tuổi, giáo viên dạy nhạc ở Edinburgh cho biết. “Nhưng không giống như tiểu thuyết viễn tưởng “Mật mã Da Vinci”, bản nhạc có mối liên hệ hiện hữu với quá khứ”.
Bản nhạc đã được ghi lại, và sẽ chính thức ra mắt vào ngày 18/5 này. Tuy nhiều chuyên gia âm nhạc vẫn còn dè dặt nhưng cũng không thể phủ nhận lý thuyết của cha con nhà Mitchell.
“Chúng tôi có 213 hình khối (ở Rosslyn) và có khả năng chúng muốn nói lên một điều gì đó”, Warwick Edwards, một chuyên gia nghiên cứu về âm nhạc cổ điển Scotland, tại Đại học Glasgow cho biết. Và cần phải tiến hành nghiên cứu thêm.
Gordon Munro, một chuyên gia nghiên cứu âm nhạc nhà thờ từ năm 1500-1700, thuộc Học viên âm nhạc và kịch Hoàng gia Scotland ở Glasgow cho biết: “Tôi đã nghe bản nhạc và nó có vẻ như rất hợp lý. Tuy nhiên, nó cũng có thể được giải mã theo một cách khác”.
“Họ đã sử dụng rất nhiều loại hình khối, nhưng tôi không thể nói họ sẽ đọc những nốt nhạc đó trên trần của nhà thờ từ trái sang phải hay từ trên xuống dưới”. Munro cho biết thêm.
Nhà thờ Rosslyn có từ thế kỷ 15, cách Edinburgh khoảng 16km, do ngài Gilbert Haye và William Sinclair xây dựng. Nó được xây dựng theo truyền thống của Hiệp sĩ dòng Đền (dòng tu quân đội Kitô giáo) và hội Tam điểm.
Họa tiết trang trí phức tạp cùng với chủ nghĩa tượng trưng đầy bí ẩn đã gợi nhớ đến nhiều truyền thuyết. Trong số đó có truyền thuyết tòa nhà là bản sao của đền Solomon, và là nơi cất giữ chiếc chén thánh, hộp đựng pháp điền (của người Do Thái xưa) hay thậm chí là chiếc đầu của chúa Jesus.
Tiểu thuyết của Brown được xây dựng trong bối cảnh ở Nhà thờ Rosslyn. Cuốn sách dựa vào giả thuyết cho rằng chúa Jesus đã cưới Mary Magdalene và thành lập một triều đại tồn tại đến ngày nay.
Nghiên cứu của Metchell tập trung ở các họa tiết trên tường dùng để đỡ trần của nhà thờ Lady. Những thiên thần trên tường chơi nhạc bên trên các cột đá.
Mitchell cha, năm nay đã 75 tuổi, là người giải mật mã cho Lực lượng không quân hoàng gia trong cuộc chiến Triều Tiên. Ông đã nghiên cứu những bí ẩn trong nhà thờ này suốt 25 năm. “Nhiều thiên thần chơi nhạc cụ, và một số được sắp xếp như một đội hợp xướng. Có một thiên thần chúng tôi không thể giải mã được. Nhưng sau đó, chúng tôi nhận ra, nữ thần đang mang khuông nhạc”.
Nếu giả thuyết về ý nghĩa của các hình khối của cha con nhà Mitchell là đúng, thì người xây dựng nhà thờ Rosslyn, từ năm 1446-1486, là người hiểu biết về khoa học âm thanh. Trên thực tế đến tận những năm 1700 khiến thức này mới được người phương tây biết đến một cách rộng rãi.
Trang Thu
Theo ABC