1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Hezbollah
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Tìm thấy các thi thể đầu tiên trong vụ sập hầm ở Nhật Bản

(Dân trí) – Nhật Bản đã lập ủy ban điều tra về vụ tai nạn sập hầm đường bộ xảy ra sáng qua sau khi các nhóm cứu hộ tìm thấy 9 thi thể trong vụ tai nạn này.

Cảnh sát và nhân viên cứu hỏa đang tìm cách vào bên trong đường hầm Sasago để cứu các nạn nhân.

Cảnh sát và nhân viên cứu hỏa đang tìm cách vào bên trong đường hầm Sasago để cứu các nạn nhân.

 
Hãng tin Jiji Press và Kyodo News dẫn lời cảnh sát cho biết 9 thi thể đã được tìm thấy trong 3 chiếc xe bên trong đường hầm Sasago, thuộc tuyến đường cao tốc Chuo Expressway, bị sập vào sáng qua, 2/12.
 
Công ty Đường cao tốc miền Trung Nhật Bản (NEXCO), đơn vị chủ đầu tư của đường hầm cao tốc bị sập Sasago, thông báo đã lập ủy ban điều tra khẩn cấp sau vụ việc đáng tiếc xảy ra sáng qua.

“Chúng tôi đã lập uỷ ban điều tra tìm hiểu nguyên nhân tai nạn, đồng thời đã cử đoàn chuyên gia tới hiện trường để xác minh sự việc”, Giám đốc NEXCO Goichi Kaneko cho biết sau khi nhận hoàn toàn trách nhiệm trước các cơ quan chức năng và người dân.

Cũng theo ông Kaneko, nhiều khả năng nguyên nhân gây tai nạn là do hệ thống đỡ nóc đường hầm bị xuống cấp. Tuy nhiên, hiện NEXCO vẫn chưa nắm rõ tình hình cụ thể tại hiện trường do tổ điều tra chưa vào được bên trong phần hầm bị sập vì quá nguy hiểm.

Sáng 2/11, tại tỉnh Yamanashi ở miền Đông Nhật Bản đã xảy ra vụ sập 100 m đường hầm cao tốc Sasago. Theo tin mới nhất,  lực lượng chức năng xác nhận đã tìm thấy 9 thi thể bị thiêu cháy. Ngoài ra, có thể còn có nhiều người khác vẫn đang mắc kẹt bên trong.

Tuy nhiên, công tác cứu hộ, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn do lo ngại nguy cơ sụt lún tiếp tục lan rộng, gây mất an toàn cho lực lượng cứu hộ.

“Hoạt động ứng cứu và chữa cháy trong hầm luôn cận kề nguy hiểm vì các đoạn hầm tiếp theo có thể bị sập bất cứ lúc nào. Ngoài ra, do không có đủ ánh sáng và không gian trong hầm nên công tác cứu hộ càng thêm phần khó khăn”, một cựu quan chức cứu hoả cho biết.

Trong vụ tai nạn đường hầm Nihonzaka ở tỉnh Shizuoka năm 1979 làm 7 người chết, lực lượng cứu hỏa đành bất lực trước đám cháy lớn phát ra từ đường hầm do đường ống chữa cháy không đủ dài để vào tận sâu bên trong hầm. Kết quả là phải mất 1 tuần, lực lượng cứu hoả mới làm chủ được tình hình. Trong vụ tai nạn đường hầm Toyohama ở Hokkaido năm 1996, lực lượng chức năng cũng mất khoảng 7 ngày mới tìm ra thi thể các nạn nhân.

Đường hầm Sasago thuộc tuyến đường cao tốc Chuo, đoạn đi qua thị trấn Sasago của thành phố Otsuki, cách thủ đô Tokyo 80 km về phía Tây. Cơ quan Khắc phục thảm họa và hỏa hoạn Nhật Bản cho biết tai nạn xảy ra khi một mảng trần dày khoảng 20 cm bất ngờ sập xuống đè lên 3 xe đang lưu thông, khiến hai xe bị vùi lấp hoàn toàn trong khi xe còn lại bốc cháy dữ dội. Sau khi tai nạn xảy ra, một phụ nữ đã tìm cách thoát khỏi đường hầm và cho biết trên xe của chị có 5 người mắc kẹt.

Đoạn đường hầm này đi vào hoạt động từ năm 1977, nối hai thành phố Otsuki và Koshu. Hệ thống thông khí của đường hầm này được thiết kế theo phương pháp thông khí nằm ngang. Thời gian gần đây, kỹ thuật này đã không được áp dụng trong thi công các công trình mới.

Đức Vũ
Theo Kyodo, Xinhua