1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tìm kiếm liên minh chống IS: Bài toán khó với Pháp!

(Dân trí) - Cụm từ “liên minh”  được lặp lại với tần suất cao trên hầu khắp báo chí Pháp ngày 25/11. Nhưng liệu một liên minh thế giới chống IS như mong muốn của Tổng thống Pháp François Hollande có ra đời được không?

Tìm kiếm liên minh chống IS: Bài toán khó với Pháp! - 1

Tổng thống Pháp Francois Hollande gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Phòng bầu dục, Nhà trắng, hôm 24/11. (Ảnh: AFP)

Các báo Pháp tập trung đưa đậm thông tin về cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS giữa lúc Tổng thống Pháp trong tuần này ngược xuôi gặp gỡ các lãnh đạo nhiều nước từ Anh, Mỹ, Đức, Ý và ngày 26/11 bay sang Nga, nhằm thiết lập một liên minh rộng lớn tiêu diệt IS.

Câu hỏi chung về "liên minh" càng tăng độ nóng sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ của Nga hôm 24/11 với lý do “xâm phạm không phận” Thổ.

Về vụ này, tờ Le Figaro nêu rõ quan điểm qua tựa đề bài viết “Thổ Nhĩ Kỳ đang phá hoại liên minh chống IS” trên trang nhất và phân tích: “Liên minh lớn chống IS mà ông François Hollande muốn thiết lập không làm hài lòng hết thảy mọi người. Liên minh chưa hình thành đó đã bị một đòn đánh mạnh vào sườn, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, bởi sự cố (vụ 24/11) vừa xảy ra. Mức độ nghiêm trọng của vụ này kéo theo nguy cơ leo thang căng thẳng thực sự giữa hai tác nhân chủ chốt của cuộc xung đột, nhưng (hai bên) lại có chiến lược và lợi ích đối lập nhau về cơ bản”.

“Với những đồng minh như vậy, nước Pháp sẽ còn nhiều khó khăn” - Le Figaro nhấn mạnh.

Vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ của Nga, theo các nhà phân tích, cho thấy dường như cả hai nước đều có mối quan tâm riêng lớn hơn là tiêu diệt lực lượng thánh chiến IS. Bên này thì muốn bảo vệ chế độ của Tổng thống Syria al-Assad đến cùng, bên kia thì muốn nhân danh chống khủng bố để tiêu diệt lực lượng đối lập Kurdistan.

Tương tự, tờ Libération đặt câu hỏi: “Ai là đồng minh (thực sự) của chúng ta?” sau đó lên danh sách kèm phân tích các đồng minh có thể cùng với Pháp chống IS.

Theo đó, Hoa Kỳ có đủ tiềm lực quân sự cần thiết cho các chiến dịch tấn công IS ở Iraq và Syria, nhưng lại chỉ là "một đồng minh mờ nhạt". Nga là đồng minh bị cô lập. Mặc dù cuộc can thiệp vào Syria từ cuối tháng 9 đã giúp Nga trở lại vị thế nổi bật trên trường quốc tế, nhưng Tổng thống Putin vẫn chưa thoát hẳn khỏi thế bị bao vây vì lập trường bảo vệ ông al-Assad…

Ván bài Trung Cận Đông càng trở nên phức tạp khi ông Putin, hôm Chủ nhật (22/11) vừa qua trong cuộc gặp với lãnh tụ tối cao Iran - Giáo chủ Khamenei, vẫn tuyên bố không chấp nhận bên ngoài áp đặt kịch bản chuyển tiếp chính trị tại Syria, tức là không nhượng bộ để phương Tây loại bỏ ông al-Assad.

Chuyển qua các đồng minh trong khu vực, theo nhận định của tờ Libération, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập Xê út, Iran và các nước vùng Vịnh khác, tất cả đều có vẻ hăng hái nhảy vào cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS. Nhưng xem ra mỗi bên đều có lý do can dự vào cuộc chiến rất khác nhau, mà chủ yếu vẫn là “mượn gió bẻ măng” (?)

Cuối cùng là lực lượng tại chỗ. Libération đặt giả thuyết: nếu các nước đổ quân trên bộ vào Syria để tấn công IS, thì khi đó họ phải dựa vào các nhóm vũ trang trên chiến trường. Đó có thể là quân đội của chế độ Damascus, lực lượng Kurdistan, các nhóm nổi dậy chống ông al - Assad hoặc thậm chí cả lực lượng dân quân Hồi giáo Shia.

Theo phân tích của tờ báo, tất cả đều chỉ là những nhóm hỗn quân, mục đích chính vẫn chỉ là chống lẫn nhau mà thôi.

Quý Cao (theo Le Figaro, Libération)

Tìm kiếm liên minh chống IS: Bài toán khó với Pháp! - 2