1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tiết lộ dự án máy bay không người lái tuyệt mật của Triều Tiên

(Dân trí) - Triều Tiên sở hữu hệ thống máy bay không người lái suốt 25 năm qua. Hệ thống này được cho là giúp Triều Tiên có thể tiến hành các cuộc không kích và thâm nhập sâu.

 

UAV xuất hiện trong lễ diễu binh ở Triều Tiên năm 2012. (Ảnh: KCTV)
UAV xuất hiện trong lễ diễu binh ở Triều Tiên năm 2012. (Ảnh: KCTV)

Vụ việc môt máy bay không người lái Triều Tiên xâm nhập vào không phận Hàn Quốc hồi tuần trước một lần nữa làm dấy lên những đồn đoán xung quanh chương trình phát triển máy bay không người lái của Bình Nhưỡng cũng như mối đe dọa đối với Hàn Quốc.

Triều Tiên được cho là đang sở hữu khoảng 300 máy bay không người lái, hãng tin Sputnik dẫn nguồn tin quân đội Hàn Quốc cho biết. Trong đó, một số máy bay có thể thực hiện các cuộc không kích “liều chết” cũng như nhiệm vụ do thám.

Cùng với các vũ khí hạt nhân và tên lửa, máy bay không người lái (UAV) có thể cung cấp các thông tin tình báo về mục tiêu tấn công, tăng cường khả năng tấn công các mục tiêu quan trọng ở Hàn Quốc mà không cần dùng đến các vũ khí có độ rủi ro cao hơn.

Theo nhà nghiên cứu quốc phòng Joseph Bermudez, Triều Tiên sở hữu những UAV đầu tiên từ Trung Quốc ngay ở giai đoạn 1988 - 1990. Chương trình phát triển bắt đầu cũng từ khoảng thời gian khi Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố sẽ lập một phi đội UAV.

Cuối năm 1993, Triều Tiên được cho là bắt đầu sản xuất mẫu UAV tương tự mẫu Xian ASN-104 của Trung Quốc, ban đầu có tên gọi là “Panghyon” (“Lá chắn”). Phiên bản cách tân sau đó là ASN-105 và được gọi là Panghyon-2.

UAV trinh sát dòng Tu-143 Reys. (Ảnh minh họa: Getty)
UAV trinh sát dòng Tu-143 Reys. (Ảnh minh họa: Getty)

Đến năm 1994, Triều Tiên được tiếp cận các UAV trinh sát dòng Tu-143 Reys của quân đội Syria được hỗ trợ động cơ phản lực. Triều Tiên sau đó được cho là đã nâng cấp loại UAV này để có thể mang vũ khí hạt nhân hoặc sinh học.

Cũng vào năm đó, Triều Tiên đã mua 10 máy bay xuất khẩu Pchela-1T từ Viện nghiên cứu khoa học Kulon của Nga. Pchela-1T chính là mẫu máy bay biến thể từ chiếc Shmel-1, được Cục thiết kế Yakovlev cải tiến để có thể điều khiển qua truyền hình.

Bình Nhưỡng cũng ngỏ ý muốn mua thêm máy bay không người lái Pchela trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên khi đó là ông Kim Jong-il tới Nga. Thời điểm đó, viện Kulon đã phát triển thành công phiên bản Pchela-1K có điều khiển hồng ngoại, có khả năng hoạt động ban đêm.

Năm 2005, tình báo Hàn Quốc đã thu được "Kế hoạch thời chiến" chi tiết của Triều Tiên. Kế hoạch này chỉ ra, nếu chiến tranh xảy ra, Triều Tiên sẽ chỉ đạo quân đội dưới các hầm ngầm, và ra quyết định dựa trên thông tin tình báo từ các vệ tinh do thám và UAV.

Thời điểm đó, tuy khá hoài nghi, nhưng phía Hàn Quốc thừa nhận rằng Triều Tiên đang phát triển chương trình UAV theo hướng đó.

Đến năm 2010, Hàn Quốc mới lần đầu tiên phát hiện UAV của Triều Tiên ở biên giới trên Hoàng Hải. Chiếc UAV này khi đó được cho là đang thực hiện nhiệm vụ đánh giá cuộc tập trận pháo binh của Triều Tiên, đồng thời giám sát phản ứng từ phía Hàn Quốc. Hàn Quốc cho rằng UAV này có thể là loại Tu-143 hoặc biến thể của nó.

Tháng 2/2012, hãng tin Yonhap dẫn nguồn tin quân sự cho biết, Triều Tiên đang phát triển một loại UAV tấn công dựa trên mẫu MQM-107 Streaker của Mỹ sau khi mua từ một quốc gia Trung Đông, có thể là Syria hoặc Ai Cập. Chiếc UAV này sau đó đã được phô trương trong một cuộc diễu binh hồi tháng 3/2012 của Triều Tiên. Đến năm 2013, truyền hình Triều Tiên đăng tải hình ảnh 3 chiếc UAV tham gia vào một cuộc tập trận.

UAV tham gia tập trận ở Triều Tiên năm 2013. (Ảnh: KCTV)
UAV tham gia tập trận ở Triều Tiên năm 2013. (Ảnh: KCTV)

Hàn Quốc đã nâng cao cảnh báo hồi tháng 4/2014 sau khi 3 chiếc UAV nhỏ xuất hiện ở Hàn Quốc và có thể là xuất phát từ Triều Tiên. Những chiếc UAV này được trang bị GPS để chụp ảnh các cơ sở chiến lược ở Hàn Quốc, trong đó có dinh Tổng thống. Tuy nhiên, các UAV này bị rơi sau khi hết nhiên liệu.

Quá trình điều tra sau đó cho thấy những chiếc UAV này là phiên bản biến thể của máy bay không người lái Sky-09 và UV10 của Trung Quốc. Chúng cũng từng xuất hiện trong bức ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới thăm một căn cứ không quân hồi tháng 3/2013. Điều đó khiến Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên đã đạt được nhiều bước tiến trong chương trình sản xuất UAV.

Để đối phó, Hàn Quốc đã triển khai hệ thống radar để phát hiện các máy bay không người lái bay tầm thấp và được cho là đi vào hoạt động từ cuối năm 2015. Hàn Quốc từng 2 lần ngăn chặn bất thành UAV của Triều Tiên khi các máy bay này bay vào khu vực phi quân sự hôm 22/8 và 24/8/2015. Tuy nhiên, gần đây nhất, hôm 13/1, quân đội Hàn Quốc đã bắn cảnh cáo và xua đuổi một UAV của Triều Tiên buộc máy bay này phải quay trở lại Triều Tiên.

Tuy nhiên, hệ thống radar nói trên cũng không thể đảm bảo rằng UAV Triều Tiên không thể thâm nhập không phận Hàn Quốc một lần nữa. Trong khi đó, chương trình UAV của Triều Tiên vẫn còn khá nhiều bí mật chưa được “khai phá” như địa điểm cất cánh của các UAV, khả năng phá sóng radar của chúng.

Minh Phương

Theo Sputnik

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm