Tiết lộ chuyện cựu giám đốc công an Trùng Khánh xin tị nạn tại Anh
(Dân trí) - Cựu giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân, người từng “khui” ra vụ sát hại doanh nhân Anh Neil Heywood trong khi cố gắng tìm cách đào tẩu sang Mỹ, trước đó đã xin tị nạn tại Anh nhưng bị từ chối thẳng thừng, một cuốn sách mới vừa tiết lộ.
Ông Quân bị kết án 15 năm tù hồi năm ngoái.
Vào tháng 2/2012, ông Vương Lập Quân đã gây ra vụ bê bối chính trị chấn động chưa từng thấy ở Trung Quốc trong nhiều thập niên qua khi chạy vào lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Thành Đô xin ẩn náu.
Tại lãnh sự quán, ông Quân nói với các nhà ngoại giao Mỹ rằng bà Cốc Khai Lai, vợ cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, đã đầu độc doanh nhân Anh Neil Heywood, 41 tuổi. 6 tháng sau đó, bà Cốc đã bị kết án tử hình về tội giết người nhưng được hoãn thi hành án.
Nhưng theo thông tin mà các tác giả của một cuốn sách mới viết về cái chết của ông Heywood nhận được, ông Quân đã ít nhất một lần cố gắng tìm kiếm sự bảo vệ của một chính phủ nước ngoài, và lần này là tại một lãnh sự quán Anh ở đông nam Trung Quốc.
Vào tháng 11/2011, chỉ ít ngày sau khi thi thể của ông Heywood bị phát hiện bên trong một phòng khách sạn ở Trùng Khánh, ông Quân được cho là đã cải trang thành một ông già và lẻn vào tổng lãnh sự quán Anh ở thành phố Quảng Châu.
“Nắm giữ các thông tin về Heywood, ông Quân đã đề nghị về khả năng tị nạn chính trị nhưng các quan chức lãnh sự quán đã từ chối và đuổi ông này ra”, cuốn sách viết, trích lời một doanh nhân giấu tên tại Hồng Kông có các mối quan hệ chính trị thân thiết ở Trùng Khánh.
Không rõ là ông Quân khi đó có tiết lộ danh tính thật với các nhà ngoại giao Anh hay không, cuốn sách viết.
Một phát ngôn viên của đại sứ quán Anh tại Bắc Kinh cho hay không có cuộc gặp nào như vậy và cũng không có ghi chép nào cho thấy ông Quân đã tới lãnh sự quán vào thời điểm đó.
Các tiết lộ trên xuất hiện trong cuốn sách “Một án mạng tại khách sạn Lucky Holiday” viết về cái chết của Heywood sẽ được ra mắt tại Anh vào tháng 4 tới và do 2 nhà báo Trung Quốc là Pin Ho và Wenguang Huang viết.
Theo cuốn sách, sau khi bị “cự tuyệt” tại Quảng Châu, ông Quân đã thực hiện nỗ lực lần 2 nhằm gặp gỡ các nhà ngoại giao Anh.
Trước khi chạy tới lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô ngày 6/2/2012, ông Quân “đã liên lạc với các quan chức tại các lãnh sự quán Anh và Đức tại Trùng Khánh”.
Giới chức Anh xác nhận rằng ông Quân đã lên kế một cuộc gặp tại lãnh sự quán Anh ở Trùng Khánh nhưng sau đó không đến.
Cuối cùng, ông Quân đã tới lãnh sự quán Mỹ nhưng bị buộc phải rời đi sau một cuộc đấu trí căng thẳng kéo dài khoảng 30 giờ.
“Chủ tịch Hồ Cẩm Đào can thiệp”
Cuốn sách còn khẳng định rằng đích thân ông Bạc Hy Lai đã tới lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô và yêu cầu cảnh sát Trung Quốc “xông vào toà lãnh sự Mỹ và bắt giữ ông Quân”.
“Khi cuộc đối đầu leo thang, các thành viên của nhóm bảo vệ an ninh sứ quán thuộc lực lượng thuỷ quân lục chiến Mỹ đã thiết lập một vòng vây an ninh bên trong”, cuốn sách viết.
Một quan chức Mỹ về hưu nói với các tác giả cuốn sách rằng vào lúc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, khoảng 700 cảnh sát đã bao vây quanh lãnh sự quán khi ông Quân xin tị nạn chính trị.
Cũng theo cuốn sách, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã “nổi giận” và đích thân can thiệp nhằm làm dịu bớt tình hình và ông Quân sau đó đã được áp giải về Bắc Kinh và bị bắt giữ.
Tháng 9 năm ngoái, tờ Wall Street Journal tiết lộ rằng ông Quân từng cung cấp cho các nhà ngoại giao Mỹ số điện thoại của một đồng nghiệp, người khẳng định có bằng chứng về sự liên quan của bà Cốc Khai Lai trong cái chết của ông Heywood.
Cũng vào tháng 9/2012, ông Quân đã bị kết án 15 năm tù giam vì âm mưu đào tẩu và vai trò của ông này trong việc cố gắng che đậy vụ ám sát Heywood.
An Bình
Theo Telegraph